Chăm sóc mắt thế nào khi thời tiết thay đổi

Uống đủ nước để giữ ẩm mắt khi trời nóng, đeo kính sát tròng đúng cách, tránh chạm lên mắt và thường xuyên rửa mặt có thể phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.


Mắt giống với da, là một trong những cơ quan nhạy cảm nhất với môi trường, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, bụi, gió, nhiệt độ và độ ẩm không khí. Thời tiết thay đổi thất thường như gió hanh, độ ẩm thấp hoặc nắng nóng kéo dài đều có thể khiến mắt bị tổn thương, nhất là người thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính, đeo kính áp tròng, cơ địa dễ khô mắt hoặc có tật khúc xạ như cận thị, loạn thị.


ThS.BS Tăng Ngọc Anh, Phó khoa Mắt, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết môi trường khô hanh, nhiều gió làm nước mắt bốc hơi nhanh, gây khô và mỏi mắt, cảm giác cộm xốn như có dị vật trong mắt. Một số người còn bị chảy nước mắt sống, đỏ mắt hoặc giảm thị lực tạm thời do mắt phải điều tiết liên tục. Bác sĩ Ngọc Anh hướng dẫn một số cách chăm sóc mắt dưới đây.


Giữ ẩm cho mắt


Trong môi trường có độ ẩm thấp hoặc ngồi lâu trong phòng máy lạnh, mắt rất dễ khô, gây cảm giác nóng rát, cộm xốn và khó chịu. Cách duy trì độ ẩm tự nhiên cho mắt là thường xuyên chớp mắt và chậm rãi. Áp dụng quy tắc 20-20-20 bằng cách nhìn xa khoảng 6 mét (20 feet) trong ít nhất 20 giây sau mỗi 20 phút làm việc. Nhờ đó, mắt được nghỉ ngơi, tái tạo độ ẩm và điều tiết tốt hơn. Chườm ấm mí mắt bằng khăn sạch giúp tăng lưu thông máu và hỗ trợ tuyến meibomian hoạt động, giảm khô mắt. Uống đủ nước mỗi ngày (thông thường khoảng 1,5-2 lít nước) không chỉ giữ ẩm mắt mà còn hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể.


Rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào mắt


Mỗi người nên duy trì thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mặt hoặc mắt, nhất là sau khi ra ngoài hoặc sử dụng thiết bị công cộng. Hạn chế dụi mắt để tránh làm trầy giác mạc, đồng thời đưa vi khuẩn hoặc virus vào mắt, gây viêm kết mạc và các bệnh nhiễm trùng khác. Rửa mặt và vệ sinh mí mắt nhẹ nhàng mỗi sáng để loại bỏ bụi bẩn, chất tiết tích tụ trong khi ngủ, từ đó giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và sạch sẽ mỗi ngày.


Cẩn thận khi sử dụng mỹ phẩm vùng mắt


Bác sĩ Ngọc Anh lưu ý vùng mắt rất nhạy cảm nên mọi người cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm. Trước khi trang điểm, hãy rửa sạch mặt và mí mắt để loại bỏ bụi bẩn hoặc dầu thừa. Chỉ nên dùng mỹ phẩm chuyên dụng cho vùng mắt và tránh thao tác trực tiếp lên đường mi - vị trí có các tuyến meibomian, có vai trò tiết dầu để bảo vệ bề mặt nhãn cầu. Trang điểm quá sát chân mi có thể gây tắc tuyến dầu, dẫn đến khô mắt hoặc viêm mi.


Vào cuối ngày, cần tẩy trang mắt bằng dung dịch dịu nhẹ, tránh để mỹ phẩm lưu lại, gây kích ứng hoặc thấm vào mắt. Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bạn nên thay mới mascara, eyeliner hoặc phấn mắt sau mỗi ba tháng, tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.


Sử dụng kính áp tròng đúng cách


Khi thời tiết hanh khô hoặc nhiều gió, mắt dễ bị khô và nhạy cảm hơn khi đeo kính áp tròng. Bạn nên cân nhắc chuyển sang đeo kính gọng để mắt được nghỉ ngơi. Nếu sử dụng kính áp tròng, bạn phải vệ sinh tay kỹ trước khi thao tác, đồng thời làm sạch, khử trùng kính đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tránh đeo kính áp tròng khi ngủ, tắm hoặc bơi để không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc. Khi có dấu hiệu cộm, đỏ, mờ hoặc đau mắt, bạn nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện có chuyên khoa Mắt để được điều trị kịp thời.


Ăn uống lành mạnh


Chế độ ăn cân đối, giàu dưỡng chất là yếu tố quan trọng để duy trì thị lực tốt, đặc biệt trong thời tiết khô nóng, dễ gây mất nước và mỏi mắt. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, lutein, omega-3 như cà rốt, cà chua, rau màu xanh đậm, cá biển, trứng gà... giúp nuôi dưỡng võng mạc, giảm nguy cơ khô mắt và thoái hóa điểm vàng. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, ngủ đủ giấc để tăng cường tuần hoàn mắt và giảm mỏi.


Điều trị sớm các bệnh mắt


Bác sĩ Ngọc Anh khuyên mọi người nên khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ngay khi có triệu chứng khô mắt kéo dài, nhìn mờ, đau nhức... tránh chủ quan vì nghĩ rằng các triệu chứng này chỉ do thời tiết thay đổi. Nếu có các triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán chính xác. Tùy vào chẩn đoán, bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt, kháng viêm, kháng sinh hoặc điều trị chuyên sâu (nếu có). Người bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh glôcôm, viêm màng bồ đào... cần được theo dõi thường xuyên hơn, vì thời tiết thay đổi có thể khiến bệnh trở nặng nếu không kiểm soát tốt.


Đức Trí


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nhãn khoa tại đây để bác sĩ giải đáp







Cham soc mat the nao khi thoi tiet thay doi


Uong du nuoc de giu am mat khi troi nong, deo kinh sat trong dung cach, tranh cham len mat va thuong xuyen rua mat co the phong benh khi thoi tiet thay doi.

Chăm sóc mắt thế nào khi thời tiết thay đổi

Uống đủ nước để giữ ẩm mắt khi trời nóng, đeo kính sát tròng đúng cách, tránh chạm lên mắt và thường xuyên rửa mặt có thể phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá