Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại còn Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam, là một tín hiệu về các cuộc đàm phán. Do đó, ông Tuấn cho rằng Việt Nam phải chủ động bằng con đường ngoại giao để hài hoà lợi ích và coi đây là chìa khoá then chốt để tháo gỡ.
"Không thể tái cân bằng thương mại trong ngắn hạn, do đó vấn đề là phải cho thấy thiện chí của các quốc gia khi cùng Mỹ giải quyết", ông nói.
Thực tế, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự với hàng nhập từ Việt Nam.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng "đây là tin tuyệt vời nhất", cho thấy lãnh đạo cao nhất đã vào cuộc trong những vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu.
Việt Nam không phải nước đầu tiên trao đổi với Mỹ sau quyết định áp thuế đối ứng của nước này. Thực tế, nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, những động thái của Tổng thống Donald Trump sau cuộc điện đàm, theo bà Thủy, còn cho thấy "mối quan hệ giao bang giữa hai nước, hoạt động thương mại có sự đặc biệt nhất định so với câu chuyện chung".
"Câu chuyện đàm phán vẫn ở phía trước, còn nhiều việc kỹ thuật phải làm nhưng đây là chi tiết động viên cộng đồng doanh nghiệp rất nhiều", bà nói, kỳ vọng sự nhất quán trong ngoại giao kinh tế, đàm phán sẽ mang lại kết quả "không hề tệ với cộng đồng doanh nghiệp".
Để tận dụng được dư địa đàm phán, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng Việt Nam có thể sử dụng một số "lá bài" để đưa lên bàn đàm phán với Mỹ nhằm giảm thuế đối ứng.
Thứ nhất, mức thuế đối ứng của Mỹ chưa tính đến sự chủ động của các nước trong giải quyết quan ngại trong vấn đề thương mại song phương. So với nhiều đối tác, Việt Nam đã chủ động lắng nghe và giải quyết nhanh chóng. Cụ thể, Nghị định 73 hôm 31/3 được ban hành đã giúp giảm thuế MFN (mức thuế áp dụng cho các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới - WTO) với các ngành hàng Mỹ có lợi thế xuất khẩu như khí hóa lỏng (LNG), ôtô, nông sản.
"Việt Nam đã cam kết giảm mạnh các dòng thuế, và có thể đề nghị giảm hơn nữa trong quá trình đàm phán", ông Thành nói.
Thực tế, theo Báo cáo về rào cản thương mại nước ngoài năm 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), mức thuế MFN (tối huệ quốc) trung bình của Việt Nam là 9,4%; với hàng nông nghiệp là 17,1%; với hàng phi nông nghiệp là 8,1%. Do đó, giới chuyên môn cho rằng Việt Nam còn dư địa để cắt giảm thêm thuế quan, thậm chí đưa về 0% nếu đạt thoả thuận như đề nghị của lãnh đạo Nhà nước.
Thứ hai, Việt Nam sẵn sàng hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan gián tiếp đến thương mại, đặc biệt là tiền tệ. Trong điều hành tỷ giá, Việt Nam không bao giờ hướng tới mục tiêu giữ đồng Việt Nam ở mức thấp để tăng cạnh tranh xuất khẩu. Nếu can thiệp, mục đích duy nhất là để đảm bảo trong một chu kỳ ngắn, tiền Việt Nam không có biến động quá mạnh với ngoại tệ của các nước đối tác, gây bất ổn trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế.
"Việt Nam luôn thực hiện nguyên tắc minh bạch và hợp tác trong quá trình trao đổi với Mỹ, chia sẻ số liệu, cơ chế điều hành tỷ giá, mức độ có thể can thiệp", ông Thành cho biết.
Quan trọng nhất, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam kiên định lộ trình tiến tới một cơ chế điều hành tỷ giá hiện đại theo hướng linh hoạt. Tức là, Việt Nam không cố định tỷ giá hay can thiệp theo hướng một chiều mà để thị trường lên, xuống theo áp lực cung cầu. Cho nên, việc thặng dư thương mại hàng hóa cao với Mỹ không phải do vấn đề tiền tệ.
Thứ ba, Việt Nam tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nhờ chính sách hội nhập cùng xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị, và xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, không chỉ Mỹ. Nhìn vào cán cân tổng thể, Việt Nam không phải một nền kinh tế có thặng dư thương mại cao, với cán cân thặng dư ít khi lớn hơn 5% GDP.
Thứ tư, mức thâm hụt lớn của Mỹ với Việt Nam chỉ phản ánh trong cán cân thương mại hàng hóa, chưa tính đến dịch vụ. Theo chuyên gia của Fulbright, Việt Nam nhập khẩu nhiều dịch vụ tài chính, bảo hiểm, giáo dục, công nghệ, và gần đây nhất là thương mại điện tử.
"Nếu tính đủ, mức thâm hụt của Mỹ và Việt Nam thấp hơn đáng kể", ông Thành nhìn nhận.
Thứ năm, quan hệ thương mại song phương mang tính bổ trợ cao. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quan ngại lệ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ mang tính chiến lược, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Nhưng hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không cạnh tranh với hàng nội địa của họ, và cũng không thuộc ngành hàng Mỹ muốn thúc đẩy phát triển.
Cụ thể, Việt Nam không xuất khẩu ôtô nguyên chiếc, rất ít linh phụ kiện hay sắt, thép. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện tử tiêu dùng, quần áo, giày dép, nội thất, thủy sản, nông sản như trà, cà phê, tiêu, không cạnh tranh với các nông sản thế mạnh của Mỹ (đậu tương, ngô).
Thứ sáu, Việt Nam cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ như máy bay, máy móc thiết bị, LNG cũng là một "lá bài" trên bàn đàm phán. Song theo ông, các hợp đồng MoU phải hiện thực hoá bằng các đơn hàng cụ thể, không chỉ nằm trên giấy.
"Đi liền với việc tăng nhập khẩu này không chỉ là lời hứa suông, mà là nỗ lực thực sự", chuyên gia kinh tế từ Fulbright nói.
Hai "lá bài" tiếp theo Việt Nam có thể sử dụng là nỗ lực đáng kể trong việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như vị trí địa chính trị với chính sách ngoại giao đa dạng của mình.
Ngoài ra, TS Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các ngành chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, hoặc sản xuất linh kiện điện tử. Đồng thời, Việt Nam cần xem xét việc đầu tư trực tiếp vào Mỹ để hỗ trợ mục tiêu "đưa sản xuất về Mỹ" của ông Trump.
"Vấn đề hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, mua sắm thiết bị quân sự từ Mỹ cũng có thể cân nhắc", ông Tuấn nói.
Bên cạnh hoạt động đàm phán ở tầm kỹ thuật giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ, chuyên gia gợi ý, Việt Nam cần quan tâm tới ba nhóm có khả năng tác động tới chính sách Mỹ.
Một là nhóm cố vấn theo quan điểm bảo hộ. Đây là nhóm khó tác động, bởi quan điểm của họ là bảo hộ thị trường nội địa, ủng hộ đánh thuế cao. Hai nhóm còn lại có thể tiếp cận và thuyết phục gồm các doanh nhân, tỷ phú và nhóm chính trị gia chuyên nghiệp trong nội các Mỹ.
Những tỷ phú, gồm cả những doanh nhân được bổ nhiệm trong nội các chính quyền Trump hiểu rất rõ câu chuyện kinh tế cũng như tác động tiêu cực của thuế suất cao lên thị trường nội địa trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, họ cũng muốn tiếp tục mở rộng các cơ hội làm ăn trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Nhóm còn lại là các chính trị gia chuyên nghiệp. Họ quan tâm tới địa chính trị và ghi nhận vai trò của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. "Việc sử dụng các kênh chính thức, phi chính thức tiếp cận và thuyết phục hai nhóm này sẽ có lợi cho việc đàm phán của Việt Nam", ông Thành nói.
Phương Dung - Thuỷ Trương