Thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng xơ phổi (bệnh phổi kẽ) có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Điều trị xơ phổi phụ thuộc vào nguyên nhân, hiện tất cả phương pháp chủ yếu làm giảm triệu chứng bệnh.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị bệnh xơ phổi dựa trên chẩn đoán cụ thể, diễn tiến và cơ chế sinh bệnh. Thuốc tập trung vào hai mục tiêu chính là kiểm soát viêm, hạn chế xơ hóa phổi.
Phác đồ điều trị bệnh xơ phổi có yếu tố viêm (có hoặc không kèm xơ hóa) thường bao gồm corticosteroid đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch hay sinh học. Nếu điều trị kháng viêm, ức chế miễn dịch không hiệu quả trong kiểm soát xơ hóa, bác sĩ có thể bổ sung thêm thuốc chống xơ. Với các trường hợp xơ phổi vô căn hoặc có xơ hóa tiến triển, điều trị bằng thuốc chống xơ là ưu tiên, đôi khi cần phối hợp thêm thuốc kháng viêm hoặc ức chế miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị.
Liệu pháp oxy
Sử dụng liệu pháp oxy rất quan trọng đối với bệnh nhân xơ phổi, nhất là khi có tình trạng suy giảm chức năng hô hấp. Liệu pháp oxy giúp cải thiện trao đổi khí, giảm triệu chứng khó thở, ngăn ngừa biến chứng tim mạch, tăng khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Liệu pháp oxy có thể được áp dụng liên tục hoặc khi gắng sức tùy theo tình trạng bệnh.
Phục hồi chức năng phổi
Phục hồi chức năng phổi là một phần trong quản lý bệnh xơ phổi, bao gồm tập luyện thể lực, vật lý trị liệu hô hấp và dinh dưỡng. Tập luyện thể lực giúp tăng cường sức bền, khả năng gắng sức và vận động. Vật lý trị liệu hô hấp như thở đúng cách, co giãn các cơ hô hấp, lồng ngực. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để duy trì cân nặng và chức năng cơ bắp.
Ghép phổi
Ghép phổi là phương pháp cuối cùng được bác sĩ xem xét cho bệnh nhân xơ phổi tiến triển nhanh, suy hô hấp nặng và không đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị nội khoa. Đây là phẫu thuật phức tạp với các rủi ro, biến chứng và yêu cầu người bệnh phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe. Sau khi cấy ghép, người bệnh phải dùng thuốc suốt quãng đời còn lại, theo bác sĩ Tam.
Sau khi xuất viện, người bệnh và gia đình cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để hạn chế nguy cơ tái phát như bỏ thuốc lá, tránh chất độc hại, tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý, tiêm vaccine cúm, viêm phổi để tránh nhiễm trùng đường hô hấp. Người bệnh cần tuân thủ kế hoạch điều trị do bác sĩ chỉ định như dùng thuốc đúng liều, thực hiện liệu pháp hỗ trợ.
Minh Đức
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |