Phạm Gia Nguyên, lớp 12 Lý 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), nhận thư trúng tuyển hồi cuối tháng 3. Đây là trường thuộc nhóm Ivy League, top 13 đại học tốt nhất nước Mỹ, theo US News. Tỷ lệ chấp nhận của Columbia nhiều năm qua chỉ ở mức 4-5%.
Nguyên kể từng không thành công với Đại học Duke trong đợt tuyển sinh sớm vào tháng 12/2024, nên không nghĩ có thể đỗ Columbia. Vì thế, trong những trường Ivy gửi kết quả cùng ngày, nam sinh chọn mở mail của Columbia đầu tiên, theo thứ tự đánh giá trường có khả năng đỗ thấp nhất tới cao nhất.
"Thấy kết quả trúng tuyển, em vô cùng bất ngờ", Nguyên nhớ lại. Ngoài Columbia, Nguyên còn trúng tuyển Đại học Georgia Tech (top 33), Rochester (44) với học bổng 3,8 tỷ đồng trong bốn năm. Ngoài ra, em trong danh sách chờ của Đại học Pennsylvania, cũng thuộc nhóm Ivy League.
Có chị ruột và người thân du học Mỹ, Gia Nguyên cũng đặt mục tiêu tương tự từ ngày đầu vào THCS. Ban đầu, bố mẹ hướng Nguyên học tiếng Anh để ôn thi chuyên, sau theo nhóm ngành ngôn ngữ giống chị gái. Nhưng học được một năm, Nguyên "thấy mệt, không vui" và muốn chuyển hướng sang Vật lý - môn em học tốt nhất.
Sau khi đỗ chuyên Lý trường Ams, Nguyên dành lớp 10 để hoàn thành các chứng chỉ ngôn ngữ, học thuật cho hồ sơ du học. Nhờ học chương trình quốc tế từ nhỏ, Nguyên không mất nhiều thời gian để làm quen các bài thi chuẩn hóa, đạt 8.5 IELTS và 1540/1600 SAT.
Chuyện chọn ngành lại một lần nữa trở thành vấn đề, khi em cần xác định hướng đi để làm hoạt động ngoại khóa. Nguyên cùng bố mẹ trao đổi và cân nhắc nhiều phương án, như theo ngành Khoa học máy tính đang là xu hướng, hay ngành Kỹ thuật điện vốn liên quan Vật lý hơn.
Tình cờ vào mùa hè năm lớp 10, Nguyên được cô chủ nhiệm, cũng là người phụ trách Câu lạc bộ Robotics trường Ams, gợi ý tham dự cuộc thi Olympic Robot thế giới (World Robot Olympiad). Nguyên vào cuộc với tâm thế muốn trải nghiệm thử, nhưng rồi "mê" robot từ đó.
"Em có thể làm robot từ sáng đến tối mà không thấy mệt", Nguyên nói. "Phần việc em thích và hay đảm nhận nhất là thiết kế 3D, sau đó gia công và lắp ráp robot".
Cô Phạm Vũ Bích Hằng, giáo viên chủ nhiệm của Nguyên, nhận xét học trò rất thông minh, ham học hỏi, có tư duy sáng tạo và năng lực lãnh đạo. Cô cho biết chỉ trong chưa đầy hai tháng, Nguyên đảm nhận nhiều việc như học lý thuyết, thực hành, thiết kế, thử nghiệm nhiều lần để tối ưu hoạt động của robot.
"Nguyên dẫn dắt đội từ xuất phát điểm không có gì tới chứng chỉ Vàng, top 4 quốc gia", cô Hằng nói.
Sau cuộc thi, Nguyên được các bạn trong câu lạc bộ tín nhiệm, bầu là phó ban cơ khí, tham gia điều hành nhiều hoạt động đào tạo và các sự kiện.
Thành tích mà Nguyên tự hào nhất là cùng đội tuyển Robotics trường Ams giành giải Vô địch liên minh (Winning Alliance) FIRST Tech Challenge 2024. Đây là một trong những cuộc thi robot lớn nhất thế giới, lần đầu được tổ chức quy mô toàn quốc ở Việt Nam năm 2024.
Nguyên nhớ giai đoạn nước rút, do tiến độ chưa như mong muốn, em và các bạn gần như ăn ngủ tại trường để làm robot.
"Có hôm bọn em làm cả đêm, hôm tới 1-2h sáng mới ngủ. Dù vậy, em không thấy mệt, ngược lại rất vui", Nguyên kể, coi đây là trải nghiệm rất thú vị.
Quá trình làm robot giúp Nguyên biết thêm nhiều kiến thức về thiết kế 3D, cơ khí. Cùng với đó, nam sinh quen thêm nhiều bạn bè chung sở thích. Năm nay, Nguyên làm cố vấn cho đội tuyển trường Ams tại FIRST Tech Challenge. Đội giành một suất dự thi vòng chung kết tại Mỹ và giành ngôi Á quân, hôm 19/4.
Trong hơn một năm, Nguyên tham gia 5 cuộc thi về robot, ở cả vai trò thí sinh và huấn luyện viên. Theo Nguyên, đây là điểm mạnh trong hồ sơ của mình.
"Em cho hội đồng tuyển sinh thấy khi đã đam mê và cam kết vào một điều gì đó, em nghiêm túc và có khả năng theo đuổi nó hết mình", Nguyên nói.
Trong bài luận chính, Nguyên kể về một người bạn đặc biệt. Bạn em gặp khó khăn trong giao tiếp, thường bị trêu chọc. Hành trình đồng hành, ủng hộ bạn giúp Nguyên có cái nhìn khác về việc đối diện thất bại.
Nguyên kể khi chơi bóng rổ, em luôn muốn mình là người đứng đầu. Khi mọi chuyện không như ý, nam sinh cảm thấy sụp đổ, không chấp nhận được. Nhưng rồi Nguyên thấy mỗi người có điểm mạnh, yếu khác nhau, và không phải lúc nào mọi chuyện cũng theo ý mình.
"Tình bạn này cũng giúp em định nghĩa lại khái niệm thành công. Không nhất thiết là người đứng đầu, thành công đôi khi là giúp người khác trở nên tốt hơn", Nguyên nói.
Để hồ sơ phong phú, Nguyên tham gia thêm một số cuộc thi, hoạt động cộng đồng. Em và hai bạn từng giành giải nhì cuộc thi sáng kiến khoa học công nghệ Solve for Tomorrow 2024 với dự án "HFA - Health For All - Giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện tại nhà cho người dân".
Năm ngoái, Nguyên là một trong 10 học sinh cả nước được chọn vào chương trình học bổng Samsung SST Membership. Tại đây, em được các kỹ sư đào tạo trực tiếp về cấu trúc và dữ liệu giải thuật, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và big data. Nguyên đạt chứng chỉ Samsung S/W Global Certificate Test cấp độ Advanced, tương đương đầu vào của kỹ sư phần mềm.
Cô Hằng nhận xét Nguyên từ một cậu học trò lớp 10 vụng về trong tư duy giải quyết các vấn đề thực tế, đã trở thành người tạo dựng niềm tin, tình đoàn kết và chỗ dựa của các thành viên trong đội tuyển robotics.
"Nguyên đã biết cách làm việc không chỉ sáng tạo mà còn rất khoa học, chu đáo, năng lực thuyết phục và phản biện đã phát triển vượt bậc", cô đánh giá.
Nguyên xác định theo đuổi ngành Kỹ thuật cơ khí ở đại học, vì đây là thế mạnh và sở thích của em. Nếu có cơ hội, Nguyên cũng muốn học thêm chuyên ngành khác, như quản trị hoặc kinh doanh để đa dạng kiến thức, kỹ năng.
Thanh Hằng