Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 6/4, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết Bộ được giao trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa... Cơ quan này phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý.
"Theo đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số. Đây là quan điểm rất quan trọng", ông Trung nói.
Theo dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Trước đó, giới chuyên môn cho rằng đây là thời điểm cần thiết phải công nhận và có khung pháp lý cho các loại tài sản số (digital asset, gồm cả tài sản mã hóa - crypto asset).
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), dẫn số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho thấy dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023).
Còn theo số liệu từ cổng thanh toán Triple-A, Việt Nam đang có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 trên toàn cầu. Chia cho tổng dân số hiện hành, tỷ lệ sở hữu crypto tại Việt Nam đạt khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,5% của toàn thế giới. Trên 85% người làm nghề tự do sở hữu tài sản mã hóa, đứng đầu thế giới; hơn 34% người làm nghề tự do chấp nhận thanh toán bằng crypto.
"Đây là khu vực hoàn toàn ở vùng xám và Chính phủ đang mong muốn chuyển những nguồn lực này vào nền kinh tế chính thức của đất nước để khai thác tối ưu", ông Trung cho biết thêm.
Thực tế, Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu pháp lý về quản lý tài sản số. Các bộ phải đưa ra khung pháp lý này trong tháng 3, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng được dự kiến thông qua vào tháng 5, trong đó khẳng định tài sản số là tài sản.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan này đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng chính sách với nguyên tắc là "triển khai thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, hiệu quả". Ông cũng nhấn mạnh chính sách đưa ra phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa.
"Việc triển khai sẽ thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa", ông nói, cho rằng việc này hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, theo ông Trung, việc thí điểm cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa.
"Bộ Tài chính đã có dự thảo nghị quyết của Chính phủ để lấy ý kiến các bộ ngành trước khi báo cáo Chính phủ", ông Trung cho biết.
Phương Dung