Kết quả khám lâm sàng cho thấy bé thở co kéo, phổi nhiều đờm, hình ảnh X-quang ghi nhận mờ thâm nhiễm quanh rốn phổi hai bên. Bác sĩ truyền kháng sinh và phun khí dung cho bé. Sau 7 ngày, bé hết ho, sốt, thở bình thường, được xuất viện. BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé Huy viêm phổi nặng, điều trị ban đầu kém đáp ứng nên được đổi kháng sinh, rửa mũi, phun khí dung.
Mẹ của bé Huy cho biết trước khi nhập viện lần thứ nhất, bé ho, sổ mũi, bác sĩ phòng khám kê thuốc uống, triệu chứng giảm song khoảng 4-5 ngày sau bé có biểu hiện thở gấp nên vào bệnh viện điều trị. Về nhà bé khỏe mạnh, ăn ngon, bú tốt. 5 ngày sau bé tái phát bệnh kèm sốt cao nên nhập viện điều trị lần hai.
Bác sĩ Tuyền giải thích bệnh viêm phổi ở trẻ có thể do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... gây ra. Tùy thuộc vào tác nhân, bệnh sẽ có các triệu chứng và mức độ tổn thương khác nhau. Trong đó môi trường sống đông đúc, nhiều khói bụi, có người nhà hút thuốc lá, thời tiết thay đổi... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền như dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày thực quản... nguy cơ mắc bệnh cao.
"Bé mắc viêm phổi nhiều lần có thể giảm chức năng phổi, biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng máu, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi", bác sĩ Tuyền cho hay.
Tùy vào mức độ, bệnh có các dấu hiệu khác nhau, thường gặp nhất là sốt, thở nhanh, thở co kéo, cánh mũi phập phồng, tím tái... Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Ghi nhận tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, số lượng trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp trong một tháng gần đây tăng hơn 30% so với tháng trước, chủ yếu do thời tiết thay đổi, nhiệt độ giảm. Các bệnh lý hô hấp điều trị nội trú và có nguy cơ chuyển nặng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen.
Thời tiết lạnh và ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp. Phòng bệnh cho trẻ nhỏ bằng cách cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, trẻ lớn cần bổ sung chất dinh dưỡng đa dạng, thêm hoa quả, rau xanh và đạm từ thịt cá... Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên với xà phòng. Tiêm vaccine giúp phòng virus cúm mùa, vi khuẩn phế cầu, HIB, ho gà, uốn ván, sởi...
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |