Ngày 3/5, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi vào viện mê man, tím tái, thở co kéo, huyết áp kẹp 80/60 mmHg. Bé bị một con ong đốt ở đùi phải, trong lúc hoảng loạn đạp phải một con ong khác bị nó đốt giữa hai ngón chân phải, dẫn đến phản vệ độ ba, suy hô hấp.
Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, tiêm adrenalin và phối hợp nhiều loại thuốc, bé tỉnh táo dần, hết phù mặt, hết đỏ da. Bác sĩ tiếp tục theo dõi bé ít nhất 24 giờ để phát hiện sớm tình trạng sốc muộn và biến chứng tổn thương các cơ quan gan, thận, não, tim, phổi.
Theo bác sĩ Tiến, ong ruồi đốt không gây hoại tử da như ong vò vẽ nhưng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Gia đình nên kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn. Lưu ý trong mùa nghỉ lễ, nghỉ hè, không cho trẻ leo trèo hái trái cây dễ bị tai nạn té ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ của chúng. Khi đi picnic trong rừng hay vườn cây cần tránh mặc quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm dễ thu hút đàn ong đến tấn công.
Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp gắp, không nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Rửa sạch vùng bị chích bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nổi mề đay, mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít.
Lê Phương