Hàng nghìn giáo viên thấp thỏm vì hết hợp đồng sau bế giảng

Thanh Hóa - Khoảng 3.500 giáo viên diện hợp đồng bất an vì chỉ được ký 9 tháng và sẽ hết hạn vào cuối năm học, song chưa được gia hạn.


Đầu năm ngoái, chị Lê Thị Duyên, 25 tuổi, ký hợp đồng giảng dạy môn Tiếng Anh tại một trường học ở huyện miền núi. Mức lương khoán việc không nhiều, thấp hơn các đồng nghiệp đã vào biên chế, song chị Duyên vui vì "có công việc cố định, đúng chuyên môn". Chị cũng mong ngày được vào biên chế để yên tâm công tác.


Trong thời gian này, để có tiền trang trải cuộc sống, lo ăn học cho hai con nhỏ, chị Duyên và chồng tiết kiệm, làm thêm nhiều công việc khác ngoài giờ lên lớp.


Cuối năm 2024, hợp đồng của Duyên hết hạn và được UBND huyện tái ký song chỉ đến hết ngày 31/5. Lý do là theo Nghị quyết mới của HĐND tỉnh Thanh Hóa, đây là thời điểm kết thúc năm học.


Chuẩn bị hết năm học mà "chưa rõ tương lai ra sao" khiến Duyên lo lắng. Nữ giáo viên dự định những tháng hè tới đây sẽ học cách bán hàng online hoặc buôn hoa quả ở chợ gần nhà. Trên các diễn đàn, nhiều giáo viên nói thấp thỏm, đang tìm cách xoay xở nếu không được ký tiếp.


Họ nằm trong số hơn 3.800 giáo viên diện hợp đồng của tỉnh Thanh Hóa hiện nay, theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ.


Trong đó, theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 300 giáo viên THPT do Sở quản lý, hết hạn hợp đồng vào tháng 9. Số còn lại do Chủ tịch UBND các huyện ký, hầu hết đến hạn vào cuối tháng 5. Việc họ có được ký hợp đồng giảng dạy ở năm học mới hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thực tế.


Nghị định 111 cho phép các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập ký hợp đồng với các vị trí chuyên môn. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa, hợp đồng giáo viên từ năm học này chỉ có thời hạn 9 tháng thay vì 12 tháng như trước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng nói lý do là mỗi năm học chỉ kéo dài 9 tháng, ngân sách không chi trả cho số tháng nghỉ hè, không thực dạy.


"Điều này đúng quy định pháp luật hiện hành", ông nói.


Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhìn nhận việc này là bất cập, gây thiệt thòi và tâm lý băn khoăn cho giáo viên.


"Thực tế là trong thời gian nghỉ hè, họ vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ như coi thi, chấm thi, ôn tập cho học sinh...", ông Lựu phân tích. Ngoài ra, nếu để đến đầu năm học mới ký hợp đồng lại cũng khiến công việc thầy cô bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến chuyên môn lẫn cuộc sống.


Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa hiện được giao chủ trì rà soát, tổng hợp số giáo viên còn thiếu, để đề xuất giải pháp.


Cả nước hiện thiếu khoảng 100.000 giáo viên, Thanh Hóa thuộc diện thiếu nhiều nhất - khoảng 10.000 người. Năm học này, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 2.700 biên chế.


Do thiếu giáo viên trong thời gian dài, hàng nghìn học sinh các cấp ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước... phải dừng học một số môn như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Để khắc phục, Phòng Giáo dục các huyện phải điều động giáo viên dạy liên trường, tăng tiết vào cả các ngày nghỉ hay dịp cuối tuần. Tuy nhiên, với nhóm này, nhiều giáo viên cũng bị chậm hoặc nợ tiền dạy tăng tiết do các địa phương chưa bố trí được kinh phí.


Lê Hoàng


* Tên nhân vật được thay đổi.









Hang nghin giao vien thap thom vi het hop dong sau be giang


Thanh Hoa - Khoảng 3.500 giao vien diẹn họp dòng bát an vì chỉ duọc ký 9 tháng và sẽ hét hạn vào cuói nam học, song chua duoc gia han.

Hàng nghìn giáo viên thấp thỏm vì hết hợp đồng sau bế giảng

Thanh Hóa - Khoảng 3.500 giáo viên diện hợp đồng bất an vì chỉ được ký 9 tháng và sẽ hết hạn vào cuối năm học, song chưa được gia hạn.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá