Bà Trương Mỹ Lan được nhà đầu tư nước ngoài hứa cho vay 400 triệu USD để trả nợ

Luật sư cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước, hứa cho bị cáo Trương Mỹ Lan vay 400 triệu USD để trả nợ các ngân hàng nước ngoài. Sau khi trả nợ, số tiền còn lại sẽ được dùng để khắc phục hậu quả.


Hôm nay (18/11), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.


Tự bào chữa, bà Lan trình bày trước khi hợp nhất 3 ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa thành Ngân hàng SCB thì có nhiều khoản vay - với tổng giá trị hơn 125.000 tỷ đồng - của khách hàng trước để lại và không liên quan đến bị cáo.


Theo bị cáo Lan, những tình tiết giảm nhẹ mà VKS ghi nhận được áp dụng đối với tội tham ô tài sản thay vì tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì thế, “bị cáo được giảm nhẹ hình phạt về tội vi phạm cho vay nhưng bị tử hình về tội tham ô thì không có ý nghĩa”.


Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế

Về xác định thiệt hại của vụ án, bà Lan cho rằng việc này phải dựa vào thanh lý, bán hết tài sản thế chấp nhưng Ngân hàng SCB chưa bán tài sản nào. Kết luận điều tra và cáo trạng xác định tổng tài sản hiện hữu của Ngân hàng SCB là 714.000 tỷ đồng, nếu trừ đi 673.000 tỷ đồng mà bà Lan bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm thì không có thiệt hại.


Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) cho rằng, các tài sản có thể thu hồi và tài sản của bị cáo Lan đều đang bị kê biên. Bị cáo Lan muốn khắc phục hậu quả nhưng tài sản đã bị kê biên thì không thể thực hiện được. Vì vậy, việc đại diện VKS cho rằng số tiền khắc phục hậu quả chưa đủ để được giảm nhẹ án tử hình là đúng đắn với quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với vụ án.


Đối với các mã tài sản hiện đang kê biên, ông Thanh cho biết ước tính trị giá khoảng 700.000 tỷ đồng, và số tiền này đủ khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với bảng giá đất UBND TPHCM vừa mới ban hành thì giá trị các tài sản này đã tăng lên 3-5 lần.


Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, dự án 6A (huyện Bình Chánh) đang có một tỉ phú người Malaysia sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư.


Đặc biệt, với tòa nhà Capital Place ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), hiện có các nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển tiền từ nước ngoài vào để cho bị cáo Lan vay 400 triệu USD trả nợ, giải tỏa kê biên. Sau khi trả nợ cho các ngân hàng nước ngoài, số còn lại bị cáo Lan sẽ dùng để khắc phục hậu quả vụ án.


Luật sư Trang đề nghị VKS xem xét lại mức án tử hình đối với bị cáo Lan. Bởi nếu tử hình thì với chế độ giam giữ, sẽ rất khó để bị cáo Lan tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục hậu vụ án.


Trước đó, khi bị VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan run giọng nói “Đến hôm nay, VKS tiếp tục giữ mức hình phạt như thế thì bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn. Kính xin tòa và VKS xem xét thật kĩ cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong muốn rằng làm sao để có thể trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước.


Bị cáo là người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Suốt 10 năm qua, bị cáo đã cống hiến rất nhiều cho Ngân hàng SCB. Bị cáo không biết nói gì, chỉ xin HĐXX và VKS xem xét thật kĩ số liệu và một lần nữa cho được đối chiếu với Ngân hàng SCB” - bà Lan trình bày và tiếp tục khẳng định không chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.


Bị đề nghị án tử, bà Trương Mỹ Lan run giọng 'tinh thần bị cáo bấn loạn’

Bị VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình, bà Trương Mỹ Lan không giữ được bình tĩnh, bày tỏ "bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bấn loạn”.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình

Cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần, gây hậu quả lớn nên không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt nên đại diện VKS đề nghị giữ nguyên mức án tử hình.