Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz sẽ chủ trì cuộc họp đặc biệt các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào ngày 10/4 tới.
Theo thông báo từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), cuộc họp dự kiến thảo luận về những tác động sâu rộng của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ bàn về phản ứng phối hợp, nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực và cam kết lâu dài với một hệ thống thương mại cởi mở, công bằng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận về cách giải quyết cũng như biện pháp nhằm giảm thiểu những gián đoạn đối với thương mại khu vực, mạng lưới chuỗi cung ứng và đầu tư xuyên biên giới.
Theo MITI, điều này nhằm đảm bảo ASEAN tiếp tục là một trung tâm ổn định, cạnh tranh và hấp dẫn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết trong ngày 4/4, ông đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp các nước Indonesia, Philippines, Brunei, Singapore để thống nhất và cùng phối hợp để đưa ra phản ứng chung liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối ứng đối với các thành viên ASEAN.
"Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia mong muốn có sự đồng thuận giữa các nước thành viên trong việc thiết lập nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong mọi cuộc đàm phán thương mại. Nếu thuận lợi, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN ngày 10/4 sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các nước thành viên", Thủ tướng Malaysia khẳng định.

Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mức thuế 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 đối với tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi mức thuế đối ứng sẽ được áp dụng từ ngày 9/4 đối với các nước, vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, trong đó có các quốc gia thành viên ASEAN.
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ. Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thông báo giảm thuế các nhóm hàng nhập khẩu Mỹ nhằm thể hiện thiện chí và tăng cường quan hệ thương mại song phương.
Các mặt hàng được Campuchia giảm thuế chủ yếu tập trung vào nông sản Mỹ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu tương, khoai tây, trái cây, hạnh nhân, rượu whisky, xe tải hạng nhẹ và xe máy...
"Campuchia luôn cam kết tham gia đối thoại một cách xây dựng và hiệu quả với chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương để 2 quốc gia có thể cùng hưởng những lợi ích thiết thực từ mối quan hệ thương mại quan trọng này", ông Hun Manet viết trong thư gửi ông Trump.
Theo
MITI, The edge malaysia