Ăn lòng se điếu không sạch có thể nhiễm bệnh gì?

Lòng se điếu không được làm sạch, nấu chín hay nhiễm hóa chất có thể gây ra bệnh tiêu chảy, liên cầu lợn, thương hàn, viêm gan A.


Lòng se điếu (một dạng phèo) là phần đặc biệt của ruột non lợn (heo), có hình dạng xoắn lại giống chiếc điếu cày, bên trong chứa lớp bột màu trắng. Đây được xem là phần ngon, bùi, giòn, rất được ưa chuộng trong ẩm thực truyền thống.


Những ngày qua, thông tin về lòng se điếu nhiễm hóa chất đang được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, lòng se điếu hay các bộ phận nội tạng của heo đều có hàm lượng mỡ cao và chứa cholesterol. Nếu ăn nhiều và không đúng có thể gây tăng cholesterol máu, dẫn tới bệnh tim mạch cùng nguy cơ lây nhiễm các bệnh dưới đây:


Viêm gan A


Trường hợp ăn lòng se điếu còn sống, chưa nấu chín hoặc được chế biến từ người đang mắc viêm gan A, người ăn có thể lây nhiễm bệnh. Hầu hết người lớn mắc bệnh viêm gan A đều có các triệu chứng mệt mỏi, ăn ít, đau dạ dày, buồn nôn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đi tiểu nhạt màu.


Thông thường, virus có thể tự đào thải trong vài tuần, song ở một số trường hợp, đặc biệt người trên 50 tuổi đang mắc các bệnh về gan khác, viêm gan A có thể dẫn đến suy gan cấp tính, tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1,4 triệu người mắc bệnh viêm gan A.


Thương hàn


Vi khuẩn Salmonella typhi gây bệnh thương hàn sống được ở ngoài cơ thể, khoảng 2-3 tuần trong môi trường nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá. Lòng heo cũng có thể chứa vi khuẩn này, truyền sang người nếu thực phẩm chế biến không kỹ hoặc được làm chín kỹ. Mặt khác, trong quá trình chế biến, vi khuẩn cũng có thể từ bàn tay hoặc các dụng cụ dao, thớt bám vào thức ăn và lây bệnh.


Trường hợp mắc thương hàn nặng, người bệnh bị sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn khan, táo bón, loét thanh mạc, thủng ruột... gây tử vong.


Tả


Trong lòng lợn cũng có thể chứa phẩy khuẩn Vibrio Cholerae gây ra bệnh tả. Nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không đúng cách, người ăn phải sẽ nhiễm bệnh. Bệnh gây nôn, tiêu chảy nặng, ồ ạt. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất nước và điện giải dẫn đến sốc, tử vong do trụy tim mạch.


Liên cầu khuẩn


Bệnh liên cầu khuẩn (liên cầu lợn) do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi họng, hệ tiêu hoá và sinh dục của lợn. Chúng lây sang người qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da ở những người giết mổ, chế biến, hoặc ăn phải con vật bị bệnh, chưa nấu chín, trong đó có lòng heo.


Trường hợp nặng, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.


Tiêu chảy do E.coli


Vi khuẩn E.coli thường xuất hiện trong các thực phẩm tươi sống. Vì vậy, lòng se điếu nếu không được nấu chín, bảo quản không đúng, nguồn gốc không rõ ràng... cũng có nguy cơ chứa vi khuẩn này.


Các triệu chứng khi nhiễm E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu không điều trị kịp, tiêu chảy do E.coli có thể dẫn đến mất nước, phá hủy các tế bào hồng cầu, có thể gây suy thận mạn tính.


Cách phòng ngừa


Ngoài các bệnh truyền nhiễm, việc tiêu thụ nhiều nội tạng động vật như lòng lợn, gan... gây dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Lòng lợn cũng có thể gây bệnh do ký sinh trùng như giun đũa, giun móc, sán lá gan... Vì vậy, mọi người nên ăn vừa đủ và nên lựa chọn thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Nấu chín kỹ trước khi ăn, tránh ăn lòng đã ôi thiu, có dấu hiệu nhiễm hóa chất, chất bảo quản.


Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Trong đó, viêm gan A Việt Nam có hai vaccine gồm đơn và phối hợp, tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, người lớn. Mỗi người cần chủng ngừa hai đến ba mũi tùy theo loại vaccine và độ tuổi. Trong đó, Twinrix (Bỉ) phòng hai bệnh viêm gan A, B. Twinrix cần tiêm hai mũi cho trẻ từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi, ba mũi cho người từ 16 tuổi trở lên.


Vaccine thương hàn có hai loại gồm Typhim Vi (Pháp) và Typhoid (Việt Nam), tiêm cho trẻ 2 tuổi và người lớn, tiêm một mũi và nhắc lại ba năm một lần.


Vaccine tả mORCVAX (Việt Nam) được chỉ định cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn sống trong vùng dịch tả lưu hành. Vaccine được sử dụng hai liều, liều sau cách liều đầu tối thiểu hai tuần. Để tăng cường hiệu quả bảo vệ, trẻ em và người lớn có thể uống nhắc lại vaccine ngừa tả sau liều cơ bản hai năm hoặc trước mỗi mùa dịch. Phác đồ chủng ngừa nhắc lại cũng gồm 2 liều cách nhau tối thiểu hai tuần.


Tuấn An









An long se dieu khong sach co the nhiem benh gi?


Long se dieu khong duoc lam sach, nau chin hay nhiem hoa chat co the gay ra benh tieu chay, lien cau lon, thuong han, viem gan A.

Ăn lòng se điếu không sạch có thể nhiễm bệnh gì?

Lòng se điếu không được làm sạch, nấu chín hay nhiễm hóa chất có thể gây ra bệnh tiêu chảy, liên cầu lợn, thương hàn, viêm gan A.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá