Tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng về công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, trong khuôn khổ Hội nghị P4G 2025, sáng 17/4 ở Hà Nội, các diễn giả chia sẻ câu chuyện ứng dụng AI trong phát triển xanh và kinh nghiệm Việt Nam có thể áp dụng.
Ở khu vực Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thường xuyên đối mặt với thách thức về thời tiết, khí hậu. Cách giải quyết là tận dụng giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững. Ông Bader Al Matrooshi, Đại sứ UAE tại Việt Nam, cho biết nước này đang tập trung triển khai nông nghiệp thông minh, công nghệ canh tác thủy canh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. "Chúng tôi có nông trại thẳng đứng lớn nhất thế giới, ứng dụng công nghệ máy học để giúp cây trồng sinh trưởng tốt", ông nói.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh, giúp tạo ra một thế giới có sự song hành giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tại Kenya, quốc gia nằm phía đông châu Phi, ứng dụng AI trong nông nghiệp đang dần phổ biến. Bà Hon Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya, cho biết một số nông hộ nhỏ đã biết ứng dụng AI qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân. "Người nông dân được cung cấp thông tin thời tiết cụ thể và chuyên biệt nhờ trí tuệ nhân tạo, từ đó giúp họ tăng năng suất", bà Tuya nói.
Bà nhận định AI quan trọng đối với những ngành kinh tế phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu như nông nghiệp. Ngoài nông dân, một số công ty chế biến nông sản cũng dùng AI tự động hóa chuỗi cung ứng, giảm tình trạng lãng phí thực phẩm, gián tiếp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong khi đó, theo ông Kyu Tae Park, Tổng giám đốc Avalve (Hàn Quốc), Việt Nam sắp gặp vấn đề già hóa lực lượng lao động. Ông khuyến nghị Việt Nam cần chuyển đổi từ ngành nông nghiệp thâm dụng lao động sang nông nghiệp thông minh. "Không chỉ nâng cao năng suất, AI còn tạo cơ hội cho xuất khẩu và giúp thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai", ông nói.
Để thực hiện tầm nhìn, đại diện Avalve gợi ý áp dụng các mô hình hợp tác công - tư. Ông lấy ví dụ về trường hợp của Hà Lan, nơi ngành nông nghiệp tận dụng tốt kết quả các công trình nghiên cứu của chính phủ, giới học thuật và doanh nghiệp để mở rộng nông nghiệp thông minh.
"Việt Nam có tiềm năng để đi theo lộ trình này. Cần thúc đẩy nông nghiệp thông minh bằng cách tăng cường hợp tác giữa các ngành, thông qua đó xây dựng được một nền nông nghiệp thông minh, bền vững hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn với khí hậu", ông Park khuyến nghị.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đặc điểm quan trọng của AI là nếu ứng dụng thành công ở một nước, khi mang đến một nơi khác, một đất nước khác, ứng dụng đó sẽ thông minh hơn, thành công hơn. "Bởi vậy AI sinh ra là để toàn cầu hóa", ông nhận định.
Trong phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Bộ trưởng đánh giá nhân loại hiện chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, trong đó tái chế đạt khoảng 7,2%, lãng phí lương thực trên 30%, hiệu suất sử dụng điện năng đạt 30-40% và "mới có 5% dữ liệu được phân tích và sử dụng có hiệu quả, mới có 2% tổng tài sản tài chính toàn cầu được đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh và bền vững".
Theo ông, AI và IoT sẽ là lời giải. "Có thể dùng IoT để số hóa toàn bộ thế giới thực và AI để giám sát hiệu quả hoạt động của toàn bộ thế giới thực, từ đó đánh giá và ra quyết định điều chỉnh thì con người sẽ sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn rất nhiều", ông nói.
Người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ của Việt Nam cũng nhận định việc sử dụng lãng phí hay không phụ thuộc vào từng người dân, trong hoạt động hàng ngày. Từ đó, ông đề xuất việc phát triển một trợ lý ảo 24/7 có thể trả lời mọi vướng mắc, hướng người dân sống xanh và tiêu dùng xanh.
Trọng Đạt
Góp ý kiến tạoBạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý