Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chuyển sản ruột là tình trạng tiến triển của viêm teo niêm mạc dạ dày. Đây được xem là tiền ung thư, vì có khả năng phát triển thành ung thư trong tương lai. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp chuyển sản niêm mạc ruột đều diễn tiến thành ung thư. Dưới đây là một số loại chuyển sản có nguy cơ ung thư cao.
Loại chuyển sản ruột: Có hai loại chính là chuyển sản ruột hoàn toàn (type I) và chuyển sản ruột không hoàn toàn (type II và III). Chuyển sản ruột không hoàn toàn có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao hơn.
Mức độ lan rộng của chuyển sản ruột: Chuyển sản ruột lan rộng (extensive IM) có nguy cơ cao hơn so với chuyển sản ruột khu trú (focal IM).
Sự hiện diện của loạn sản (dysplasia): Loạn sản là sự xuất hiện của các tế bào bất thường trong mô. Nếu chuyển sản ruột tiến triển thành loạn sản, nhất là loạn sản độ cao, nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn đáng kể.
Theo bác sĩ Bích, chuyển sản ruột tiến triển thành ung thư thường diễn ra chậm và có thể mất nhiều năm hoặc hàng chục năm. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này người chuyển sản ruột tiến triển thành ung thư dao động khoảng 0,25-2,5% mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể cao hơn ở những người có các yếu tố nguy cơ, nhất là khi có tình trạng loạn sản (tế bào có sự phát triển bất thường) kèm theo.
Khi phát hiện chuyển sản ruột, người bệnh cần theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng. Chuyển sản ruột thường không có triệu chứng điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày, triệu chứng gồm khó chịu, đau ở vùng thượng vị, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi, khó tập trung, hoa mắt, ù tai, đau ngực...
Loạn sản ruột do nhiều nguyên nhân như nhiễm Helicobacter pylori (HP), trào ngược dạ dày thực quản. Nhiễm trùng HP là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, theo bác sĩ Bích. Tế bào niêm mạc dạ dày bị tổn thương trong thời gian dài nhưng không được điều trị khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị teo, viêm, không tiết đủ axit dẫn đến thay đổi niêm mạc ruột ở dạ dày. Các yếu tố môi trường, lối sống, tiền sử gia đình, hút thuốc lá, chế độ ăn uống mất cân bằng, uống nhiều bia rượu, có thể làm tổn thương tế bào, tăng nguy cơ chuyển sản ruột.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ điều trị thích hợp. Trường hợp bệnh chưa diễn tiến phức tạp, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ định. Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng HP, người bệnh cần điều trị HP để làm chậm quá trình tiến triển chuyển sản ruột. Bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ các mô có loạn sản bằng phương pháp nội soi can thiệp cắt dưới niêm mạc khi cần thiết.
Bác sĩ Bích khuyên người bệnh nên duy trì khám sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, ít chất béo và muối, tăng cường trái cây, rau củ. Đồng thời, kiểm soát stress, giữ tâm lý tích cực, thư giãn tinh thần... góp phần kiểm soát triệu chứng, tăng hiệu quả điều trị. Theo dõi và quản lý chuyển sản ruột giúp phát hiện sớm bất thường, giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |