Sau mùa đại hội đồng cổ đông, các ngân hàng đã thông qua chính sách cổ tức cho cổ đông. Năm nay, có 9 trên 27 nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán chia cổ tức bằng tiền mặt. Đồng thời, phần lớn đơn vị này cũng phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nằm trong kế hoạch tăng bộ đệm vốn cho ngân hàng.
4 ngân hàng dự chi khoảng 16.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong tháng 5. Còn 5 đơn vị khác gồm ACB, Techcombank, SHB, OCB và MB cũng thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền, nhưng chưa chốt thời gian thực hiện năm nay.
Danh sách ngân hàng chia cổ tức tiền mặt trong năm nay:
STT | Ngân hàng | Cổ tức tiền (VND/cổ phiếu) | Ngày chốt danh sách | Ngày thanh toán
| Lợi tức tạm tính (%, theo thị giá 8/5) |
1 | LPBank | 2.500 | 20/5/2025 | 28/5/2025 | 7,6 |
2 | VPBank | 500 | 16/5/2025 | 23/5/2025 | 2,9 |
3 | TPBank | 1.000 | 14/5/2025 | 23/5/2025 | 7,1 |
4 | VIB | 700 | 23/4/2025 | 23/5/2025 | 4 |
5 | ACB | 1.000 | N/A | N/A | 4,1 |
6 | Techcombank | 1.000 | N/A | N/A | 3,6 |
7 | SHB | 500 | N/A | N/A | 3,9 |
8 | OCB | 700 | N/A | N/A | 6,7 |
9 | MB | 300 | N/A | N/A | 1,3 |
Với lợi tức tạm tính dựa theo thị giá cổ phiếu chốt phiên 8/5, cổ tức của một số ngân hàng có mức sinh lời cao hơn so với tiền gửi ngân hàng, như LPBank, TPBank. Hiện, gửi tiền tại ngân hàng kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất phổ biến từ 5-6% một năm.
Ví dụ, tỷ lệ cổ tức bằng tiền của cổ phiếu LPB là 25%. Tính trên thị giá cổ phiếu LPB giao dịch trên thị trường chốt phiên 8/5 là 33.000 đồng, khoản cổ tức 2.500 đồng nhận được trên mỗi cổ phiếu tương đương mức sinh lời 7,6%.
Cổ tức bằng tiền mặt luôn là lựa chọn yêu thích của cổ đông khi nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn. Theo Chứng khoán VPS, những đơn vị thường xuyên trả cổ tức bằng tiền có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tư với khả năng sinh lời cao, nhận được tiền mặt trực tiếp, mang lại cảm giác an toàn và ổn định.
Trong đó, Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) là đơn vị chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao nhất ngành. Với tỷ lệ chia cổ tức 25%, cổ đông sở hữu một cổ phiếu LPB sẽ nhận được 2.500 đồng tiền mặt. Đây cũng là lần đầu sau 6 năm họ trả cổ tức bằng tiền. Nhà băng này sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 20/5 và thực hiện thanh toán một tuần sau đó. Gần 7.500 tỷ đồng sẽ được LPBank chi để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Kế hoạch chia cổ tức bằng tiền của LPBank khi công bố gây bất ngờ cho các nhà đầu tư. Bởi tại cuộc họp cổ đông năm ngoái khi ông Nguyễn Đức Thụy (hay còn gọi là Bầu Thụy) lần đầu xuất hiện trên cương vị Chủ tịch LPBank, cho biết nhà băng không chia cổ tức tiền trong 3 năm để tăng năng lực tài chính cho ngân hàng. Nhưng tới cuộc họp cổ đông năm nay, Bầu Thụy lại cho biết muốn đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông và có thể chia cổ tức 20% bằng tiền mặt và 5-7% cổ phiếu.
Cùng vào ngày 23/5, ba nhà băng khác gồm Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ tương ứng 5%, 10% và 7%.
Trong đó, VIB là ngân hàng có truyền thống duy trì việc chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu từ nhiều năm nay (trừ giai đoạn 3 năm Covid-19). Nhà băng này sẽ chi hơn 2.000 tỷ đồng để trả cổ tức, và phát hành cổ phiếu tỷ lệ tối đa 14% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Tại VPBank, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp nhà băng này chia cổ tức tiền mặt. Mức chi trả cho cổ đông là 5%, tương ứng số tiền ngân hàng chi ra gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ việc chia cổ tức tiền mặt sẽ làm giảm nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, nhà băng vẫn thực hiện do hướng đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn và lợi ích của các cổ đông.
Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng cũng khẳng định nhà băng này duy trì chia cổ tức bằng tiền trong 2 năm tới. Điều này nằm trong lộ trình và chiến lược trả cổ tức bằng tiền 5 năm liên tiếp của nhà băng này, tính từ 2022.
Còn với TPBank, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nhà băng chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu cho cổ đông. Trong đó, năm nay họ dự chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu tối đa 5%. Theo lãnh đạo ngân hàng, chính sách này trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng nhà băng.
Với các nhà băng còn lại trên thị trường chứng khoán, một số năm nay không chia tiền mặt và phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, như MSB, NamABank, NCB, Kienlongbank... Kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức của các nhà băng nằm trong lộ trình cải thiện nền tảng vốn, chuẩn bị cho các yêu cầu mới từ phía cơ quan quản lý về đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo lộ trình từ mức 8% hiện hành lên 10,5% vào 2033.
Bên cạnh đó, một vài đơn vị như SeABank, Sacombank, Eximbank và ABBank không chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu trong năm nay. Muốn chia cổ tức, Sacombank phải hoàn tất quá trình tái cơ cấu, trong đó họ cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án xử lý số cổ phiếu của ông Trầm Bê. Còn Eximbank và SeABank, ban lãnh đạo nói không chia cổ tức năm nhằm củng cố năng lực tài chính nội tại.
Quỳnh Trang