Tự chẩn đoán chấn thương. Khi gặp đau nhức, nhiều người tự chẩn đoán và điều trị mà không tham khảo ý kiến chuyên gia. Điều này có thể dẫn đến việc điều trị sai cách và làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu cảm thấy đau hoặc không thoải mái, nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Không dừng lại khi cần thiết. Đôi khi, runner cứ cố tiếp tục luyện tập dù cảm thấy đau hoặc mệt mỏi, nghĩ rằng đó chỉ là những khó chịu nhỏ. Tuy nhiên, việc không lắng nghe cơ thể và không nghỉ ngơi khi cần có thể dẫn khiến chấn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu cơn đau không giảm sau 10-15 phút chạy, tốt nhất, bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi.
Đổ lỗi hoàn toàn cho giày chạy. Dù giày chạy đóng vai trò quan trọng, không phải mọi chấn thương đều do giày không phù hợp. Tư thế chạy, kỹ thuật và chế độ luyện tập cũng ảnh hưởng lớn đến nguy cơ chấn thương. Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng giày phù hợp, nhưng đồng thời, cần chú ý đến các yếu tố khác trong lúc luyện tập.
Nôn nóng quay lại sau chấn thương. Tâm lý chung của runner sau khi dính chấn thương là muốn nhanh chóng quay lại luyện tập với cường độ như trước. Việc này có thể khiến chấn thương tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy cho cơ thể thời gian hồi phục đầy đủ và bắt đầu lại một cách từ từ, tăng dần cường độ theo khả năng.
Quá tin tưởng vào kinh nghiệm của người khác. Dù kinh nghiệm từ các bạn chạy lâu năm có thể hữu ích, cơ thể mỗi người là khác nhau. Áp dụng một cách mù quáng các lời khuyên mà không xem xét đến tình trạng cụ thể của bản thân có thể không hiệu quả hoặc thậm chí gây hại. Vì vậy, bạn nên luôn lắng nghe cơ thể và tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia khi cần.
Lạm dụng thuốc giảm đau. Sử dụng thuốc chống viêm hoặc giảm đau có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của chấn thương. Lạm dụng thuốc có thể che giấu các vấn đề nghiêm trọng và dẫn đến tổn thương lâu dài. Hãy sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và tập trung vào việc điều trị nguyên nhân chấn thương.
Bỏ qua chế độ dinh dưỡng. Dinh dưỡng rất quan trọng trong việc phục hồi và ngăn ngừa chấn thương. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm suy yếu cơ bắp và xương, tăng nguy cơ chấn thương. Hãy đảm bảo bạn có một chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Nhật Tảo (theo Mundo Deportivo)