Đây là số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố. Theo đó, 3 tháng đầu năm nay, khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 509.500 tấn, giá trị ước khoảng 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng lại tăng mạnh 49,5% về giá trị so với cùng kỳ 2024.
Hiện, giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 5.656 USD một tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức, Italy và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 16,2%, 9,9% và 7,4%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm nay sang thị trường Đức tăng 79,3%, Italy tăng 32% và thị trường Nhật Bản tăng 56%.
Trong nhóm 15 thị trường lớn, xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở Ba Lan với mức tăng 3,1 lần, trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm (sụt 37,5%).
Giá cà phê nhân xô Việt Nam đang quanh ngưỡng 132.300 đồng một kg. Trên sàn London, giá cà phê Robusta (loại cà phê trồng chủ yếu ở Việt Nam) được giao dịch quanh mức 5.269 USD một tấn cho kỳ hạn giao tháng 5, giao tháng 7 có giá 5.295 USD một tấn.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 dự kiến giảm 5% so với niên vụ trước, xuống còn khoảng 27 triệu bao (bao 60 kg).
Nguyên nhân là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diện tích trồng bị thu hẹp. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025, La Nina dự báo thay thế El Nino, có nguy cơ gây sương giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê của Việt Nam và Brazil. Đầu tháng 1, sương muối tại Sơn La đã làm cháy khô nhiều diện tích cà phê ở Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Hua La.
Các doanh nghiệp khuyến nghị nông dân theo dõi sát tình hình thời tiết và chuẩn bị phương án tưới tiêu để giảm thiểu rủi ro khi mùa khô kéo dài. Song, giá cà phê trong thời gian tới sẽ chịu áp lực điều chỉnh do nguồn cung vừa được thu hoạch đang dần đưa ra thị trường và Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch.
Bên cạnh đó, nhu cầu cà phê trên thế giới đang có dấu hiệu giảm do giá bán ở mức quá cao. Các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể đạt hơn 6 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 7 tỷ USD vào năm 2025 nếu có chiến lược ứng phó hiệu quả.
Thi Hà