"Chúng tôi vừa hủy một loạt tour khách đặt trước đi tham quan ở TP HCM, bởi nếu hoạt động sẽ không đáp ứng quy định mới", đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport (Saigon.PT) - đơn vị vận hành 70 xe điện du lịch nhỏ ở thành phố, cho biết ngày 13/2.
Theo Nghị định 165/2024, từ 15/2/2025 xe chở người 4 bánh gắn động cơ chỉ được hoạt động trên các tuyến đường có biển báo tốc độ tối đa 30 km/h, áp dụng cho tất cả phương tiện. "Tuy nhiên, TP HCM hầu như không có tuyến đường nào giới hạn tốc độ tối đa như vậy nên không có địa điểm phù hợp cho xe điện 4 bánh nhỏ hoạt động", đại diện công ty nói thêm.
Saigon.PT thí điểm ôtô điện 4 bánh, mỗi xe 8 chỗ từ tháng 4/2024, chủ yếu phục vụ khách tham quan, du lịch ở nội đô thành phố với giá vé mỗi chuyến 120.000-250.000 trong 30 phút. Xe chạy trong phạm vi quận 1, 4, 5 và 6, hành trình qua nhiều địa danh nổi tiếng như bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập, Nhà hát Thành phố, Bến Thành... Loại hình này mới đây còn được kết nối 3 ga ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên để khách dễ tiếp cận.
Đại diện doanh nghiệp trên thống kê trong gần một năm thí điểm, tổng lượng khách sử dụng xe điện đạt hơn 226.000 lượt với hơn 55.600 chuyến xe. Các dịp lễ, Tết, nhu cầu đặt xe còn lớn hơn. Dịch vụ hiện nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách bởi giúp họ trải nghiệm, tiếp cận nhiều hơn các địa điểm tham quan và du lịch ở thành phố.
"Tuy nhiên, với quy định mới từ 15/2 xe chỉ được chạy trên các tuyến đường giới hạn tốc độ tối đa 30 km/h, hoạt động của loại hình này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp", đại diện Saigon.PT nói và mong được tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động phù hợp điều kiện thực tế ở TP HCM, nếu không sẽ phải dừng chạy.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, từ năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo về việc các địa phương bỏ biển giới hạn tốc độ dưới 40 km/h (20 km/h, 25 km/h và 30 km/h). Do đó, TP HCM hiện không còn biển báo với mức giới hạn thấp như vậy, ngoài một số vị trí đặc thù, đặc biệt nguy hiểm như nhánh A cầu vượt Cát Lái hoặc số ít nơi đang thi công.
Trong trường hợp tổ chức cho xe điện 4 bánh hoạt động với biển giới hạn tốc độ tối đa 30 km/h sẽ phát sinh một số vướng mắc. Bởi theo đặc thù ở TP HCM, các tuyến đường ngoài khu dân cư nội bộ gần như phục vụ tất cả xe cơ giới. Nếu lắp biển báo với tốc độ giới hạn như trên sẽ ảnh hưởng các loại xe khác do phải tuân thủ biển báo.
Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Giao thông Vận tải hiện kiến nghị UBND thành phố báo cáo các bộ ngành hướng dẫn, thống nhất thực hiện một số quy định liên quan đến hoạt động xe điện 4 bánh nhỏ. Trước mắt, ngành giao thông thành phố kiến nghị cho loại hình trên vẫn được phép hoạt động với thời gian và phạm vi hạn chế.
Tương tự, doanh nghiệp sử dụng xe điện loại nhỏ tại các địa phương đông du khách cũng gặp khó khăn bởi quy định mới. Ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), UBND tỉnh vừa ra quyết định dừng thí điểm loại hình xe điện du lịch 4 bánh từ ngày 15/2, bởi trên địa bàn không có đường quy định tốc độ tối đa 30 km/h. Tại địa phương này hiện có hai doanh nghiệp tham gia thí điểm chở khách tham quan bằng ôtô điện 4 bánh loại nhỏ, gồm Công ty TNHH DaLat City Tour (từ năm 2018) và Công ty TNHH đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Tĩnh An (từ tháng 2/2024).
Xe điện chở khách theo tuyến cố định ở TP Đà Lạt, như quanh Hồ Xuân Hương, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình yêu... Quá trình thí điểm, cơ quan chức năng địa phương cho biết hoạt động của loại xe này có một số bất cập, như chạy không đúng tuyến, dừng đỗ không đúng quy định, nhưng đây cũng là một sản phẩm du lịch được nhiều khách lựa chọn. Dù vậy Đà Lạt không có tuyến đường nào đáp ứng yêu cầu biển báo giới hạn tốc độ 30 km/h theo quy định mới. Địa phương sẽ nghiên cứu phương án để tổ chức lại hoạt động loại xe này phù hợp.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện cũng có 7 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép đầu tư xe điện 4 bánh loại nhỏ chở khách tham quan, du lịch với tổng số hơn 260 chiếc hoạt động tại TP Vũng Tàu và Côn Đảo. Ông Đỗ Nguyễn Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết xe điện 4 bánh cỡ nhỏ hoạt động ở tỉnh thời gian qua phát huy hiệu quả chở khách, nhất là khách theo nhóm, đoàn ở nội đô.
"Có những tuyến đường cấm xe du lịch 45-50 chỗ, nên xe điện là lựa chọn hàng đầu của khách, giúp phát triển du lịch", ông Thuận nói.
Trước quy định mới áp dụng từ giữa tháng 2 năm nay với việc xe chở người 4 bánh gắn động cơ chỉ được hoạt động trên các tuyến đường có biển báo tốc độ tối đa 30 km/h, ông Thuận cho biết Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cho phép loại hình này tiếp tục hoạt động theo các tuyến cố định trong đô thị, đường ven biển. Xe được cấp phù hiệu và tài xế sẽ phải tham gia các khóa tập huấn lái xe an toàn.
Tại TP Nha Trang (Khánh Hoà), ông Chu Văn An, Phó giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cũng cho biết quá trình hoạt động của loại xe trên thời gian qua góp phần đáp ứng nhu cầu khách du lịch trên địa bàn, giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, xe điện nhỏ này cũng bộc lộ hạn chế về an toàn kỹ thuật khi chạy chung với các loại xe khác ở đường lớn. Ngoài ra, việc chấp hành quy định về tuyến đường được phép hoạt động của tài xế còn hạn chế.
"Quy định đã cụ thể, các đơn vị cần tuân thủ, người dân, du khách vẫn có nhiều sự lựa chọn như taxi điện, xe buýt thoáng nóc", ông An nói.
Trường Hà - Hạ Giang - Bùi Toàn