WHO đưa ra cảnh báo về căn bệnh có tỷ lệ tử vong tới 50%

TANZANIA - Các quan chức y tế gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng virus Marburg bùng phát sau khi 8 người tử vong.


Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 8 người tử vong nghi nhiễm virus Marburg tại hai địa phương Biharamulo và Muleba của Tanzania (châu Phi). Một số nạn nhân được cho là nhân viên y tế - những người có nguy cơ nhiễm bệnh khi chăm sóc các bệnh nhân.


WHO cảnh báo rằng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các nước láng giềng cao do có nhiều hoạt động đi lại xuyên biên giới.


Bệnh do virus Marburg gây ra là dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Loại virus này có thể gây ra các triệu chứng bao gồm đau nhức, sốt cao, yếu và ớn lạnh. Tình trạng tiêu chảy nặng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ 3 phát bệnh.


Từ ngày thứ 5, bệnh nhân có khả năng bị chảy máu, tổn thương gan dẫn đến vàng da, suy đa cơ quan (tim, gan, thận), sốc xuất huyết và những trường hợp nghiêm trọng nhất có nguy cơ tử vong trong khoảng 8-9 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu.


Theo Express, căn bệnh này thường giết chết khoảng một nửa số người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong các đợt bùng phát gần đây, tỷ lệ tử vong dao động từ 24 đến 88%. Hiện tại không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu. Các bệnh nhân chủ yếu được chăm sóc hỗ trợ để giảm triệu chứng và duy trì chức năng sống.


Dơi mang mầm bệnh lây truyền sang người đặc biệt là khi tiếp xúc trong các hầm mỏ hoặc hang động là nơi sinh sống của các đàn dơi ăn quả. Bệnh cũng có thể lây lan giữa người với người do tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch cơ thể qua da bị trầy xước hoặc niêm mạc.


WHO nhận định rủi ro toàn cầu của đợt bùng phát là thấp và "chưa xác nhận có sự lây lan quốc tế ở giai đoạn này ".


Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho rằng ​​sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh trong những ngày tới khi công tác giám sát dịch bệnh sát sao hơn.


Ông Tedros nói thêm: “Bệnh do virus Marburg có khả năng truyền nhiễm, nghiêm trọng và thường gây tử vong. Hành động nhanh chóng sẽ cứu sống được nhiều người, bao gồm cả việc đảm bảo những trường hợp có triệu chứng được chăm sóc kịp thời. Chúng tôi khuyên các nước láng giềng với Tanzania nên cảnh giác và chuẩn bị để xử lý các ca bệnh tiềm ẩn. Chúng tôi không khuyến cáo hạn chế đi lại hoặc giao thương với Tanzania vào thời điểm này”.


Nhiễm sùi mào gà ở mũi vì thói quen nhiều người Việt có

Người đàn ông bị sùi mào gà ở vùng kín nhưng thường xuyên dùng tay sờ vào vị trí tổn thương rồi ngoáy mũi dẫn tới cả chùm ổ sùi ở vị trí này.

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang với virus cúm HMPV

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo người dân không hoang mang với virus cúm HMPV, nhưng cũng không chủ quan, lơ là và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.