Vụ án thi thể trong hồ bơi hai ngày không ai phát hiện

Mỹ - Đến bể bơi vui chơi dù không biết bơi, Marie Joseph bị đuối nước, bất tỉnh dưới đáy bể suốt hai ngày, cả trăm người vui đùa xung quanh không hay biết.


Trưa 25/6/2011, bể bơi trong Công viên Lafayette ở hạt Bristol, Massachusetts mở cửa đón khách giữa thời tiết nóng nực.


Tối đó, Marie Joseph, 36 tuổi, tan ca trở về nhà ở đường Reuben, chỉ cách bể bơi 700 m. Marie làm quản gia ở khách sạn, thường xuyên phải tăng ca. Sau hơn nửa tháng bận rộn, cô mới được nghỉ vào ngày mai.


Khi trò chuyện với hàng xóm tên Danyelle Hunt, Marie dự định cùng nhà hàng xóm đến bể bơi giải nhiệt vào ngày mai, dù không biết bơi.


Chuyến đi bơi định mệnh


Khoảng 14h ngày 26/6, Danyelle đưa hai con đến bể bơi với Marie. Cả nhóm thất vọng khi thấy nước đục, nhưng đã lỡ mua vé và thấy nhiều người khác vẫn bơi lội nên tặc lưỡi chấp nhận.


Marie bế con gái của Danyelle vầy nước ở chỗ nông. Sau đó, cô cùng con trai 9 tuổi Thomson của Danyelle chơi cầu trượt. Cả hai rơi "tùm" xuống nước. Ngay sau đó, Thomson bơi lên bờ, nhưng không thấy Marie.


Ba phút sau, nhân viên trực trong phòng giám sát nhận thấy nước đục đến mức không thể nhìn thấy những người bơi lặn bên dưới. Sau khi quan sát tình trạng nước, anh ta nhận thấy hệ thống lọc của bể bơi đã có vấn đề khi mở cửa vào trưa nay và không hoạt động suốt cả chiều.


Việc này cần phải báo cáo với cấp trên, nhưng anh ta chỉ nhắn tin qua điện thoại, giám sát viên lập tức sắp xếp cuộc kiểm tra vào 15h30.


Sau đó, nhân viên trực đã thử nhiều cách vẫn không sửa được hệ thống lọc. Vì lý do an toàn, anh ta chặn khu vực nước sâu, chỉ cho người dân vui chơi ở chỗ nông. Bể bơi đóng cửa lúc 17h.


Trước khi ra về, Danyelle không thấy Marie đâu, túi và khăn tắm của cô vẫn để trên ghế dài. Họ tìm kiếm cô dọc bể bơi không thấy. Nghĩ Marie có lẽ đã phải quay về giữa chừng để đi làm vì cô thường như vậy, Danyelle dắt hai con về. Cho rằng cô sẽ quay lại, Danyelle không cầm đồ giúp. Tối đó, nhân viên bể bơi đi kiểm tra thấy đồ của khách để quên nên cất hộ.


Đến trưa 27/6, bể bơi vẫn mở cửa dù hệ thống lọc chưa sửa xong. Ngày 28/6 cũng vậy. Nhưng đến 22h tối đó, sau khi bể bơi đóng cửa, một nhóm thiếu niên trèo qua hàng rào lẻn vào bể bơi để tắm trộm. Khi đứng trên bờ, họ hốt hoảng phát hiện một người đang trôi nổi trên mặt nước. Các thiếu niên vội gọi cảnh sát, "cứu" người lên.


Cảnh sát xác nhận nạn nhân đã tử vong. Báo cáo pháp y cho thấy nguyên nhân tử vong là đuối nước, thời gian ngâm trong bể bơi ít nhất là 2 ngày.


Thời điểm đó, cảnh sát không biết danh tính nạn nhân nên đã đến bể bơi để điều tra vào ngày hôm sau. Nhân viên báo cáo rằng có một chiếc túi của khách bỏ quên cách đây hai ngày. Cảnh sát tìm thấy điện thoại di động cùng một số giấy tờ, từ đó xác nhận nạn nhân là Marie.


Lời khai kỳ lạ của cậu bé


Khi nghe tin tức về một người chết đuối được tìm thấy trong bể bơi, cậu bé Thomson bỗng nói: "Mẹ ơi, người đó có lẽ là Marie". Lúc này, Danyelle chợt nhận ra đã không nhìn thấy Marie suốt hai ngày qua.


Khi đến nhà Danyelle hỏi chuyện, cảnh sát bị sốc bởi những gì Thomson kể: "Ngày 26/6, khi chơi nhảy cầu, Marie nói với cháu rằng đây là lần đầu tiên cô chơi. Lúc nhảy xuống, Marie va vào cháu và nói xin lỗi, giây tiếp theo cô ấy bắt đầu chìm".


Theo phản xạ, Thomson lập tức vươn tay nắm lấy tay Marie, nhưng không thể đỡ được. Cậu bé vội lên bờ, nhờ một nữ nhân viên cứu hộ da trắng tóc vàng ở gần nhất giúp đỡ. Nhưng nhân viên này không để ý đến cậu bé, nói rằng đang trong giờ nghỉ. Thomson lo lắng nên đã đi tìm nhân viên cứu hộ thứ hai, da ngăm và hơi thấp. Người này nói sẽ đi kiểm tra "trong một phút nữa".


Cảnh sát thấy khó hiểu: tại sao các nhân viên không tiến hành cứu hộ ngay lập tức? Sau khi kiểm tra camera giám sát, họ phát hiện tất cả nhân viên cứu hộ trực ngày hôm đó đều là nữ nhân viên da trắng, không tìm thấy người nào có đặc điểm giống nhân viên cứu hộ thứ hai mà Thomson mô tả. Cuộc điều tra về những nhân viên cứu hộ cũng dẫn đến sự đảo ngược bất ngờ trong vụ án.


Đầu tiên, tất cả nhân viên cứu hộ đều nói rằng chưa bao giờ gặp cậu bé đến xin giúp đỡ. Thứ hai, Thomson không xuất hiện ở khu vực cứu hộ trong vòng một phút 40 giây sau khi lên bờ.


Dữ liệu video giám sát cho thấy nhân viên cứu hộ không rời đi và cậu bé cũng không có bất kỳ tương tác nào với cô. Trên thực tế, Thomson được nhìn thấy đi ngang qua nhân viên cứu hộ, quay lại mép hồ bơi dừng một lúc, cuối cùng nhún vai và đi về phía khu vực nước nông.


Toàn bộ quá trình Marie bị đuối nước cũng được camera giám sát ghi lại. Trong khoảng thời gian từ 15h18ph32 đến 15h18ph39, sau khi nhô đầu lên hai lần, Marie chìm nghỉm, và không ai xung quanh để ý đến điều này. Chỉ vài giây sau, một người khác nhảy cầu xuống đúng chỗ Marie bị chìm, nhưng nhanh chóng bơi vào bờ.


Điều này có nghĩa là Marie chết đuối trong bể bơi vào ngày 26/6, bể bơi vẫn mở cửa trong hai ngày sau đó cho đến khi thi thể cô tự nổi lên mặt nước.


Cuộc điều tra nguyên nhân bi kịch


Cảnh sát lập báo cáo dài 20 trang, phân tích chi tiết những lý do khiến Marie gặp nạn.


Nguyên nhân sự cố bắt đầu từ nước đục. Bể bơi này được mở trở lại vào 25/6 sau khi đóng cửa cả mùa đông. Từ đầu tháng 6, các nhân viên thời vụ được thuê để dọn sạch bể. Khi đó, họ phát hiện có một vũng cặn đất bẩn ở khu vực nước sâu, nhưng máy hút cặn đáy bể bị hỏng. Nhân viên bảo trì đề nghị dọn sạch chất bẩn, nhưng người giám sát bể bơi không nghe. Ông nghĩ rằng toàn bộ bể chứa 912 tấn nước nên lượng chất bẩn nhỏ này sẽ không ảnh hưởng nhiều, bảo nhân viên trực tiếp bơm nước vào.


Ngày 11/6, nhìn thấy nước đục, người quản lý bảo trì lập tức ra lệnh bật máy tạo clo để khử trùng bể bơi, phải chạy liên tục cho đến một ngày trước khi mở cửa. Sau đó, quản lý có việc nghỉ phép.


Người giám sát bể bơi cho rằng chạy máy tạo clo như vậy sẽ rất tốn kém nên dặn nhân viên chỉ bật máy vào hai ngày trước khi mở cửa.


Ngày 20/6, trở về sau kỳ nghỉ, người quản lý bảo trì phát hiện nước trong bể bơi đục ngầu và có màu xanh lá, độ pH đã đạt hơn 9.


Máy tạo clo chỉ có thể hoạt động bình thường ở mức pH thích hợp. Sau vài lần cố khắc phục bằng cách tắt và khởi động lại máy, thêm clo thủ công, độ pH của nước giảm xuống một chút, máy bắt đầu chạy, nhưng lúc này chỉ còn chưa đầy 5 ngày nữa là đến ngày mở cửa.


Ngày 25/6, bể bơi chính thức đón khách, máy tạo clo phải tạm dừng hoạt động trong thời gian này vì clo có thể gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp của người đi bơi. Cuối ngày, nước đục trở lại do khách vui chơi, khiến máy tạo clo bị hỏng. Người giám sát ra lệnh cho nhân viên thêm clo thủ công nhưng hiệu quả chẳng là bao.


15h30 ngày 26/6, sau khi thêm clo thủ công không thành công, khu vực nước sâu phải chặn khách, dồn tất cả sang khu nước nông.


Trong quá trình điều tra lấy mẫu, cảnh sát tìm thấy lá cây, tóc, băng cá nhân, dây buộc tóc, báo... dưới đáy hồ bơi. Tất cả đều cũ và bẩn, bám vào đáy bể hoặc gần cống thoát nước.


Luật của bang Massachusetts quy định nếu bể bơi đục đến mức ném một chiếc đĩa đen trắng đường kính 6 inch (hơn 15 cm) xuống mà không thể nhìn thấy thì không được mở cửa cho người dân.


Người giám sát bể bơi khai với cảnh sát rằng chất lượng nước vào ngày mở cửa không có vấn đề gì, anh ta có thể nhìn thấy những vạch đen ở sâu dưới bể. Nhưng thực tế không có cái gọi là vạch đen nào ở dưới đáy bể, và bức ảnh chụp Marie trước khi gặp nạn cho thấy nước đục đến mức ở khu vực nông cũng khó nhìn rõ bên dưới.


Bên cạnh đó, không có biển báo hoặc rào chắn trong bể bơi để phân biệt vùng nước sâu và nước nông. Khi chơi nhảy cầu, Marie có thể không biết rằng bên dưới là vùng nước sâu 12 feet (3,66 m).


Theo quy định khác của bang, nhân viên phải dọn sạch đáy bể bơi sau mỗi ngày hoạt động, nhưng Marie phải ở lại dưới đáy bể mà không được phát hiện vào các ngày 26, 27 và 28/6.


"Một loạt quyết định tồi tệ, với những sai lầm chồng chất sai lầm, sự coi thường các yêu cầu của cơ quan quản lý và sự coi thường tiêu chuẩn phù hợp để vận hành bể bơi lan rộng ở nhiều cấp độ giám sát và quản lý", báo cáo nêu.


Sau khi điều tra, cảnh sát đã đệ đơn kiện hình sự với người giám sát bể bơi và cấp trên của anh ta.


Ngày 8/2/2012, Tòa án hạt Bristol ra phán quyết rằng bi kịch này là do sự tắc trách của nhân viên bể bơi, giám sát viên và cơ quan chủ quản - Phòng Bảo tồn và Tái tạo của bang Massachusetts (DCR). Tuy nhiên, một loạt hành động sai lầm được chứng minh rằng không phải do cố ý, vì vậy các bị cáo không bị buộc tội liên quan trực tiếp đến cái chết của Marie.


Luật sư thay mặt các con của Marie đệ đơn kiện cơ quan quản lý hồ bơi yêu cầu bồi thường. Đôi bên giải quyết riêng, số tiền bồi thường cụ thể không được công bố.


Sau sự cố này, tất cả bể bơi nước sâu trong tiểu bang đều bị đóng cửa để kiểm tra, đồng thời phải đào tạo thêm cho nhân viên cứu hộ, giám sát viên.


Toàn bộ nhân viên ban đầu của bể bơi xảy ra vụ việc bị sa thải. Cơ quan chủ quản đầu tư gần 500.000 USD để sửa chữa và nâng cấp, mở cửa trở lại vào năm 2012, từ đó đến nay không xảy ra sự cố nào nữa.


Tuệ Anh (Theo Toutiao, Herald News)









Vu an thi the trong ho boi hai ngay khong ai phat hien


My - Den be boi vui choi du khong biet boi, Marie Joseph bi duoi nuoc, bat tinh duoi day be suot hai ngay, ca tram nguoi vui dua xung quanh khong hay biet.

Vụ án thi thể trong hồ bơi hai ngày không ai phát hiện

Mỹ - Đến bể bơi vui chơi dù không biết bơi, Marie Joseph bị đuối nước, bất tỉnh dưới đáy bể suốt hai ngày, cả trăm người vui đùa xung quanh không hay biết.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá