Vì sao trẻ chậm tăng cân?

Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, mắc bệnh lý tiềm ẩn, biếng ăn, di truyền là những nguyên nhân khiến trẻ tăng cân ít.


Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ chậm tăng cân kéo dài cần được can thiệp kịp thời. Tìm hiểu nguyên nhân là bước quan trọng để có giải pháp phù hợp giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ.


Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý


Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ chậm tăng cân là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển. Nhiều cha mẹ có thói quen cho con ăn theo sở thích, không đa dạng nhóm thực phẩm hoặc không cân đối chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Trẻ cũng có thể gặp tình trạng biếng ăn sinh lý dẫn đến lượng thức ăn đưa vào cơ thể không đủ so với nhu cầu.


Một số sai lầm thường gặp là trẻ chỉ ăn cháo hoặc bột quá loãng, thiếu dầu mỡ - nguồn cung cấp năng lượng quan trọng, không bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu sắt, kẽm, canxi hoặc lạm dụng sữa thay vì duy trì chế độ ăn dặm đầy đủ sau 6 tháng tuổi. Đun, hầm quá lâu khiến thực phẩm không giữ được các chất dinh dưỡng vốn có.


Rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý tiềm ẩn khác


Rối loạn tiêu hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ hấp thu kém, từ đó dẫn đến chậm tăng cân. Những biểu hiện thường thấy gồm đầy bụng, táo bón, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu hoặc không dung nạp một số loại thực phẩm. Trẻ mắc bệnh lý về đường ruột như hội chứng ruột kích thích, bệnh celiac, nhiễm ký sinh trùng đường ruột... cũng gặp khó hấp thụ dưỡng chất, mặc dù khẩu phần ăn có thể đầy đủ.


Một số bệnh lý mạn tính như bệnh tim bẩm sinh, thiếu máu, rối loạn nội tiết (suy giáp bẩm sinh), các bệnh chuyển hóa bẩm sinh... cũng là những nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển thể chất, bao gồm cả cân nặng, chiều cao.


Tâm lý và môi trường sống


Tâm lý đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển thể chất của trẻ. Trẻ em sống trong môi trường căng thẳng, thiếu sự quan tâm, chịu ảnh hưởng của các biến cố gia đình như ly hôn, mất người thân... có nguy cơ biếng ăn và chậm tăng cân cao hơn bình thường. Những trẻ thường xuyên bị ép ăn sẽ hình thành tâm lý sợ hãi, không còn cảm giác ngon miệng. Căng thẳng tâm lý gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng.


Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, thiếu ánh sáng, không khí trong lành cũng tác động xấu đến sức khỏe tổng thể, khả năng hấp thu dưỡng chất của trẻ. Trẻ không được vận động ngoài trời hoặc không tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời dẫn đến thiếu hụt vitamin D - yếu tố quan trọng chuyển hóa canxi.


Trẻ biếng ăn


Những trẻ biếng ăn thường ăn ít hơn nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Nếu tình trạng lượng thức ăn hằng ngày không đáp ứng đủ cho nhu cầu cơ thể kéo dài, trẻ sụt cân, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh lý nguy hiểm.


Di truyền và tốc độ phát triển cá nhân


Một số trẻ có tốc độ phát triển chậm hơn do yếu tố cơ địa, gene di truyền từ cha mẹ, nhất là trong giai đoạn sơ sinh, những năm đầu đời. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ bị suy dinh dưỡng nếu chỉ số sức khỏe tổng thể vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Trẻ đạt được mốc phát triển vận động, nhận thức phù hợp với độ tuổi.


Khi không nhận biết được các dấu hiệu bất thường như sụt cân, không tăng cân trong thời gian dài hoặc tụt khỏi đường cong tăng trưởng, phụ huynh dễ bỏ qua giai đoạn "vàng" can thiệp sớm. Theo bác sĩ Trà Phương chậm tăng cân ở trẻ em có thể khắc phục nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Phụ huynh cần chủ động theo dõi quá trình phát triển của con qua mốc tăng trưởng chuẩn, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đa dạng và đầy đủ dưỡng chất.


Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường kéo dài, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế khám, tư vấn chuyên môn từ bác sĩ dinh dưỡng hoặc nhi khoa. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, hệ thống y tế giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện cả về thể chất và tinh thần.


Thanh Ba


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp







Vi sao tre cham tang can?


Che do dinh duong chua phu hop, mac benh ly tiem an, bieng an, di truyen la nhung nguyen nhan khien tre tang can it.

Vì sao trẻ chậm tăng cân?

Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, mắc bệnh lý tiềm ẩn, biếng ăn, di truyền là những nguyên nhân khiến trẻ tăng cân ít.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá