Minh, 18 tuổi, TP HCM, thường xuyên xem các video TikTok về Rối loạn đa nhân cách (DID) - một chứng bệnh hiếm gặp, trong đó người bệnh có nhiều "nhân cách" riêng biệt. Các video này thường miêu tả DID một cách kịch tính: "Một ngày tôi là A, ngày khác tôi là B, tôi không nhớ gì cả!", kèm hiệu ứng âm thanh, hình ảnh ấn tượng.
Minh nhận thấy bản thân đôi khi có tâm trạng thay đổi như "buổi sáng vui vẻ, buổi chiều buồn bã" - điều hoàn toàn bình thường ở tuổi dậy thì. Song sau khi xem nhiều video, Minh bắt đầu gán ghép những thay đổi cảm xúc này thành "dấu hiệu của DID". Nam sinh tự tìm kiếm thêm thông tin trên các hội nhóm Facebook, nơi nhiều thành viên chia sẻ trải nghiệm "chuyển đổi nhân cách" một cách thiếu kiểm chứng.
Minh bắt đầu đóng vai các "nhân cách khác nhau" trên mạng xã hội: tạo nhiều tài khoản với tính cách trái ngược, đăng status như "Hôm nay tôi là Alex, tôi ghét tất cả mọi người!". Bạn bè và người theo dõi bình luận: "Wow, bạn thật đặc biệt!", "Có lẽ bạn bị DID thật rồi!" khiến Minh càng tin vào "bệnh" của mình.
Khi gia đình đưa đi khám, bác sĩ kết luận Minh không mắc DID mà chỉ có rối loạn lo âu nhẹ do ảnh hưởng từ mạng xã hội. Tuy nhiên, Minh từ chối tin vào kết quả này, cho rằng "bác sĩ không hiểu mình". Chàng trai cũng ngừng giao tiếp với gia đình vì cho rằng họ "phủ nhận" bản thân cậu, khiến tình trạng lo âu ngày càng trầm trọng.
Tương tự, chị Ngân - người mẹ của một cô con gái 17 tuổi cho biết con chị thường sử dụng ứng dụng như Tiktok, Instagram, Threads để tìm kiếm các bài viết, video chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Theo thời gian, cô bé bắt đầu tự nhận mình mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tự kỷ, sợ không gian (sợ ra khỏi nhà).
Con gái chị cũng thường xuyên đăng tải kết quả tự chẩn đoán lên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận đồng tình bởi nhiều người cũng có triệu chứng và thói quen tương tự.
"Mỗi tuần, bé lại đưa ra một chẩn đoán khác. Nếu bé nhìn thấy chút điểm tương đồng của mình trong chẩn đoán, bé sẽ cho rằng mình mắc hội chứng đó", chị Ngân kể.
Sau khi trải qua các cuộc kiểm tra về sức khỏe tâm thần, con gái của chị được chẩn đoán không mắc phải tình trạng mà bé đã suy đoán, mà chỉ bị lo lắng nghiêm trọng. Con của chị Ngân thậm chí còn hoài nghi chẩn đoán của các chuyên gia, cho rằng bản thân thật sự mắc bệnh nhưng bác sĩ lại bỏ sót.
Tại Việt Nam, tình trạng lệ thuộc mạng xã hội được các chuyên gia đánh giá là rất phổ biến. Báo cáo Digital 2021 cho thấy mỗi ngày, người Việt dùng Internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội.
Trong đó, nhiều người trẻ có thói quen chia sẻ công khai những cảm xúc tiêu cực lên những nền tảng này, tự nhận mình mắc trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần dù chưa từng thăm khám chuyên gia. Một số khác "google" hoặc hỏi Chat GPT một triệu chứng, hoặc dấu hiệu của bệnh tâm thần mà bản thân cảm thấy đang có và tự đưa ra chẩn đoán.
Các thuật ngữ y khoa về rối loạn tâm thần xuất hiện tràn lan trên các trang mạng. Đơn cử, nhiều người thường nói họ mắc OCD (chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế) hoặc có người thân, bạn bè bị chứng này. Tuy nhiên, thông thường, những người đó chỉ quá ưa sạch sẽ. Ngoài OCD, "rối loạn cảm xúc lưỡng cực" cũng thường xuyên bị lạm dụng để chỉ những người hay có tâm trạng thất thường, khó tính hoặc đơn giản là hay thay đổi.
Thậm chí, nhiều người còn lãng mạn hóa các bệnh tâm lý. Họ tự nhận mình mắc chứng nọ bệnh kia theo trào lưu. Khi hashtag #PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) thịnh hành, TikTok tràn ngập clip người tự cho là mắc PTSD. Những tuần sau đó, trào lưu chuyển sang #DID (rối loạn đa nhân cách), rối loạn lo âu, trầm cảm...
Theo thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, giới trẻ chọn khuếch đại cảm xúc trên mạng xã hội bởi đây là nơi không chỉ sự thành công mà sự khó khăn như cảm xúc tiêu cực cũng nhận được nhiều sự chú ý. Từ đó, các bệnh tâm lý với những cảm xúc tiêu cực rõ rệt - có thể được phóng đại nhằm nhận sự chú ý và phản hồi từ cộng đồng.
"Sự chú ý của cộng đồng mạng như một 'củng cố tích cực' - là phần thưởng để cá nhân tiếp tục duy trì hành vi chia sẻ không phù hợp", thạc sĩ Thiện lý giải.
Theo các chuyên gia tâm lý, trào lưu tự chẩn đoán bệnh theo mạng xã hội này vốn phổ biến tại nhiều quốc gia, nay lan rộng trong cộng đồng giới trẻ, có thể dẫn đến hệ lụy xã hội đáng lo ngại.
Ông Thiện nhận định việc bình thường hóa cảm giác tiêu cực và thiếu sự phân biệt giữa cảm xúc buồn tạm thời, ngắn hạn và giai đoạn khí sắc trầm buồn kéo dài, cảm giác trầm cảm lâm sàng trên mạng xã hội càng làm tăng sự hiểu lầm về bệnh. Từ đó góp phần làm giảm hiểu biết đúng đắn về bệnh tâm lý, khiến mọi người không nhận thức được rằng đây là một rối loạn cần được điều trị chuyên môn.
Hoặc hiện tượng "trầm cảm ảo" - tự chẩn đoán mình mắc trầm cảm dựa trên thông tin từ mạng xã hội mà không có sự xác nhận chuyên môn, có thể dẫn đến "khủng hoảng niềm tin" vào các chuyên gia tâm lý. Nhiều người tin rằng các chuyên gia tâm lý không thực sự hiểu được những gì họ đang trải qua, đặc biệt nếu những cảm giác đó đã được "chứng thực" qua cộng đồng mạng xã hội.
Ngoài ra, với sự phổ biến của các thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ về rối loạn tâm thần trên mạng xã hội, người tự chẩn đoán có thể bắt đầu hoài nghi về hiệu quả của việc điều trị chuyên nghiệp, đặc biệt nếu các chuyên gia đưa ra phương pháp điều trị khác với những gì được tìm thấy trên mạng. Điều này có thể khiến họ cảm thấy không hài lòng hoặc nghi ngờ về sự chuyên môn của các bác sĩ và nhà tâm lý học.
Việc lạm dụng thuật ngữ sức khỏe tâm thần một cách bừa bãi còn có thể gây ra các triệu chứng tâm thần hoặc làm cho người mắc bệnh tâm lý cảm thấy xấu hổ, khiến bệnh tình trở nên trầm trọng. Sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân tâm thần có thể khiến họ không dám điều trị.
Nếu thật sự mắc bệnh, việc tự áp dụng các phương pháp điều trị không khoa học, như chế độ ăn kiêng hay các "mẹo" từ mạng xã hội, tình trạng có thể tồi tệ hơn. Việc tự chữa cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy cô đơn và thiếu kết nối vì thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hay các chuyên gia. Điều này có thể dẫn đến cảm giác "bế tắc" và thiếu hy vọng, làm tăng nguy cơ thực hiện hành vi tiêu cực.
"Nếu rối loạn tâm thần nhẹ không được điều trị đúng cách, có thể diễn tiến và có triệu chứng nặng hơn như ý tưởng và kế hoạch tự sát, suy giảm động lực, mất hứng thú, hoang tưởng, ảo giác...", thạc sĩ Thiện nói.
Theo chuyên gia, mạng xã hội có thể được xem như một nguồn lực, có tính cộng đồng và là sự hỗ trợ nếu cá nhân không tin tưởng một cách mù quáng.
Ban đầu, các cá nhân gặp những khó khăn tâm lý và thay đổi trong cuộc sống có thể tự tìm hiểu qua mạng xã hội và các thang đo tự lượng giá về tình trạng của mình. Tuy nhiên, khi cảm thấy bản thân đang có những khó khăn về cảm xúc, mối quan hệ, mất động lực và mệt mỏi kéo dài trên hai tuần thì nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tại các bệnh viện, phòng khám để được chẩn đoán, điều trị thích hợp.
Mỹ Ý