Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024 xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023.
Trung Quốc nhập 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023 và vượt Mỹ (756 triệu USD) để trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
Lý do khiến nước này mua nhiều tôm Việt, theo VASEP, nguồn cung loại hải sản này tại thị trường nội địa của họ giảm do thời tiết bất lợi. Ecuador giảm bán tôm sang Trung Quốc. Đồng thời, nước này đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Trong cơ cấu sản phẩm, tôm loại khác (gồm tôm hùm) chiếm gần 52%. Tôm chân trắng và tôm sú lần lượt trên 36% và 12%.
Tuy nhiên, tôm sú bán sang Trung Quốc giảm mạnh hơn loại chân trắng. Các sản phẩm chế biến từ hai loại tôm này cũng hạ nhiệt, đặc biệt tôm sú chế biến giảm 44%.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu trên 10 tỷ USD thủy sản các loại. Trong đó, tôm và cá tra là hai trụ cột chính, lần lượt mang về 4 tỷ USD và 2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường mua tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 99% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này.
Đầu năm nay, nước này vẫn giảm nhập khẩu tôm từ các nước khác, nhưng tăng mua từ Việt Nam. Nửa đầu tháng 1/2025, tôm bán sang Trung Quốc tăng 191% so với cùng kỳ năm trước, trên 51 triệu USD.
VASEP dự báo năm nay ngành thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhờ gia tăng nhu cầu từ các thị trường khu vực. Riêng với Trung Quốc, theo VASEP, nhu cầu tôm chân trắng hạ nhiệt do tầng lớp trung lưu giảm sức mua. Trái lại, các sản phẩm thủy sản cao cấp như tôm hùm, cá hồi, cua hoàng đế vẫn có sức tiêu thụ ổn định. Do đó, Hiệp hội này khuyến cáo các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm, tăng quảng bá và đưa ra các chương trình kích cầu tiêu thụ tôm chân trắng và sú tại Trung Quốc.
Hồng Châu