Trở nặng khi chữa bệnh theo `bác sĩ Tik Tok`

Sau vài ngày liên tục ho, sốt và đau đầu, Hà Quỳnh, TP HCM truy cập TikTok tra cứu "trị cúm tại nhà", song bệnh chuyển nặng viêm phổi, phải nhập viện.


Nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi cho biết công việc bận rộn, không có thời gian đi khám, thường tự tra cứu mẹo chữa trên Google và TikTok. Quỳnh chọn phương pháp dễ áp dụng, chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên.


Đợt mắc cúm gần đây, Quỳnh cũng tin tưởng làm theo các "chuyên gia" mách nước bằng cách xông lá, ngậm tỏi sống, dùng chanh đậm đặc mỗi sáng... Song tình trạng không cải thiện, cô khó thở, mệt lả, phải đến bệnh viện.


Cùng trải nghiệm với Quỳnh, Minh Quốc, 25 tuổi, An Giang tự chữa sùi mào gà theo TikTok, bôi lá trầu không giã nát với nghệ tươi để "làm khô nốt sùi". Quốc làm theo trong nhiều tuần, kết hợp dung dịch được quảng cáo trong video nhưng không thấy chuyển biến, ngược lại vết loét ngày càng lan rộng và đau rát.


Sau khi đến bệnh viện da liễu kiểm tra, anh được bác sĩ chẩn đoán tổn thương nặng, phải điều trị bằng đốt laser kết hợp thuốc.


"Tôi ngại đi khám bệnh nam khoa, lại nghe chỉ cần kiên trì là khỏi nên cố thử", Quốc nói.


Nhiều người coi TikTok là một trong những nền tảng chính để tra cứu thông tin, đặc biệt thông tin về sức khỏe. Theo báo cáo của eMarketer năm 2024, 64% Gen Z sử dụng TikTok để tìm kiếm thông tin, thậm chí nhiều hơn Google trong một số trường hợp. Một cuộc khảo sát trên 1.000 GenZ do Zing Coach thực hiện năm 2024, chỉ ra hơn 50% người dùng đang sử dụng TikTok để được tư vấn về sức khỏe và thể chất, trong khi 1/3 coi TikTok là nguồn thông tin sức khỏe chính của họ.


Hashtag #Health (Sức khỏe) trên TikTok ghi nhận hơn 50 tỷ lượt xem, riêng nội dung về sức khỏe nhạy cảm như tình dục đạt khoảng 1,5 tỷ lượt xem, theo dữ liệu Superdrug. Điều này phản ánh rõ nhóm nội dung sức khỏe, y tế có sức lan tỏa mạnh trên nền tảng này.


Tuy nhiên, chất lượng của các video chưa tương đồng. Một nghiên cứu phân tích thông tin y khoa phổ biến trong chuyên ngành tiết niệu nhi khoa, cho thấy chỉ có 22,2% video trên TikTok tuân thủ đúng hướng dẫn hiện hành từ EAU - tổ chức chuyên môn uy tín thiết lập các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiết niệu.


Theo bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều người có xu hướng "tự chữa bệnh online" do e ngại đến bệnh viện hoặc coi thuốc điều trị là độc hại, muốn tìm phương pháp điều trị tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều mẹo trên nền tảng này không qua kiểm chứng y khoa, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu áp dụng sai. Mặt khác, biểu hiện bệnh của mỗi người khác nhau tùy vào giai đoạn, do đó không có chẩn đoán hay hướng điều trị chung cho tất cả mọi người. Việc áp dụng máy móc các cách điều trị có thể khiến bệnh trở nặng, bỏ lỡ "thời điểm vàng".


Ví dụ, nhiều người chủ quan nghĩ cúm là bệnh nhẹ, tự khỏi sau 2-7 ngày nên cố gắng áp dụng các mẹo dân gian. Tuy nhiên, trên thực tế, virus có thể xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Người bệnh cần theo dõi và nhập viện khi có các dấu hiệu khó thở, thở gấp, đau ngực...


Với sốt xuất huyết, việc uống nước lá tía tô, ăn đu đủ xanh hoặc nằm nghỉ tại nhà có thể khiến bệnh chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau ngày thứ 3-5. Bệnh có biến chứng xuất huyết trong, thậm chí tử vong nếu không được truyền dịch đúng cách và theo dõi tại cơ sở y tế.


Do đó, bác sĩ Giang khuyến cáo, khi có dấu hiệu bệnh lý cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và sử dụng phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, tránh chậm trễ điều trị và gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe.


Bên cạnh đó, người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe bằng các phương pháp được khoa học kiểm chứng. Trong đó, tiêm vaccine đầy đủ là giải pháp hiệu quả, an toàn. Vaccine kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể và tế bào ghi nhớ đặc hiệu đối với tác nhân gây bệnh, từ đó giúp cơ thể sẵn sàng phản ứng hiệu quả nếu phơi nhiễm trong tương lai.


Hiện nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi, thủy đậu, virus HPV, viêm gan B... đã có thể phòng ngừa bằng vaccine. Nhóm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền nên ưu tiên chủng ngừa do có nguy cơ cao trở nặng, tham vấn cụ thể tại các trung tâm tiêm chủng. Người khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc và lây mầm bệnh cho gia đình, cộng đồng, cần chủng ngừa đầy đủ.


Anh Ninh









Tro nang khi chua benh theo 'bac si Tik Tok'


Sau vai ngay lien tuc ho, sot va dau dau, Ha Quynh, TP HCM truy cap TikTok tra cuu "tri cum tai nha", song benh chuyen nang viem phoi, phai nhap vien.

Trở nặng khi chữa bệnh theo 'bác sĩ Tik Tok'

Sau vài ngày liên tục ho, sốt và đau đầu, Hà Quỳnh, TP HCM truy cập TikTok tra cứu "trị cúm tại nhà", song bệnh chuyển nặng viêm phổi, phải nhập viện.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá