Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy bên trong đĩa đệm tràn ra ngoài qua vết rách ở vòng xơ, gây chèn ép dây thần kinh. Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thoát vị đĩa đệm thường gây đau lưng hoặc cổ, kèm tê bì, yếu cơ lan xuống tay hoặc chân. Cơn đau có thể tăng khi vận động, ho hoặc hắt hơi, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.
Đau lưng
Đau lưng là triệu chứng rõ nhất và dễ nhận biết khi bị thoát vị đĩa đệm. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, xuất hiện khi vận động và nặng hơn khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc thực hiện các động tác cúi, xoay người đột ngột. Nhiều người còn cảm thấy cứng cột sống vào buổi sáng hoặc sau thời gian nghỉ ngơi, khiến di chuyển khó khăn. Ngoài lưng, thoát vị đĩa đệm có thể gây đau cổ và tùy vào vị trí bị tổn thương.
Đau tay hoặc chân
Nếu xảy ra ở thắt lưng, cơn đau thường xuất hiện ở lưng dưới, lan xuống mông, đùi, bắp chân và thậm chí cả bàn chân. Trong khi đó, thoát vị đĩa đệm ở cổ có thể gây đau vai, cánh tay và lan xuống bàn tay. Cơn đau có thể dữ dội hơn khi ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế, thường được mô tả là sắc nhọn hoặc nóng rát.
Tê bì và ngứa ran
Đây là dấu hiệu thường gặp ở người bị thoát vị đĩa đệm do dây thần kinh bị chèn ép. Triệu chứng này thường xảy ra tay, chân hoặc khu vực do dây thần kinh chi phối, gây cảm giác châm chích như có kim châm hoặc điện giật. Nhiều người bị giảm cảm giác ở vùng ảnh hưởng, nhất là khi ngồi lâu, vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Yếu cơ
Yếu cơ xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Người bệnh có thể cảm thấy tay chân mất lực, cầm nắm kém chắc hoặc dễ vấp ngã khi di chuyển. Tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, giảm chất lượng cuộc sống.
Giảm khả năng vận động
Người bệnh khó cúi, xoay người, đứng lên hoặc ngồi xuống, cảm giác cứng lưng vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
Rối loạn đại tiểu tiện
Thoát vị đĩa đệm chèn ép các dây thần kinh trong ống sống, nhất là dây thần kinh kiểm soát ruột và bàng quang, có thể dẫn đến tiểu không tự chủ hoặc mất kiểm soát ruột. Nhân nhầy tràn ra khỏi vị trí ban đầu, tạo áp lực lớn lên hệ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng bài tiết. Khi xuất hiện triệu chứng này, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Tiến lưu ý thoát vị đĩa đệm còn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn vận động, teo cơ, mất kiểm soát đại tiểu tiện nếu không can thiệp kịp thời. Để phòng bệnh, mọi người nên duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, chú ý tư thế ngồi làm việc, tránh cúi gập đột ngột hay mang vác sai cách. Bổ sung tinh chất thiên nhiên đặc hiệu như collagen type 2 không biến tính và collagen peptide thủy phân góp phần điều hòa miễn dịch, duy trì dịch khớp, tái tạo sụn và xương dưới sụn. Eggshell membrane (màng vỏ trứng), turmeric root (tinh chất nghệ), chondroitin sulfate hỗ trợ chống viêm, tăng độ bền khớp, phòng ngừa các bệnh xương khớp.
Người bị đau lưng âm ỉ tái phát cần đi khám vì có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm tổn thương cột sống.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |