Năm 2024, virus H5N1 lây lan tại hơn 135 đàn bò sữa thuộc 12 bang ở Mỹ cùng một vài ca bệnh trên người, trong đó một bệnh nhân cao tuổi ở Louisiana trở nặng. Canada ghi nhận bé gái 13 tuổi nhiễm bệnh, phải điều trị bằng máy thở. Phần Lan năm 2023 tiêu hủy khoảng 486.000 con vật nhằm ngăn H5N1 lây lan.
Trong khi đó, Mỹ đã có một số loại vaccine phòng ngừa H5N1, bào chế cách đây nhiều năm. Song, vaccine chưa được phê duyệt. Lý do, mũi tiêm không thể thử nghiệm lâm sàng vì chưa đủ các ca nhiễm H5N1 ở người để so sánh nhóm đã tiêm vaccine và chưa tiêm chủng.
Hiện, thế giới chỉ có một loại mũi tiêm được Mỹ phê duyệt, do công ty CSL Seqirus sản xuất. Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lo ngại virus H5N1 có thể lây lan rộng rãi, gây ra đại dịch mới nhờ biến đổi để tăng khả năng xâm nhập cơ thể người.
Vì vậy, các chuyên gia hiện bắt tay vào phát triển các vaccine mới, nhằm tăng khả năng kiểm soát cúm gia cầm, với sự tham gia của các công ty như Moderna, Pfizer và GlaxoSmithKline (hợp tác với CureVac). Họ sử dụng công nghệ mRNA để nhằm phát triển và phân phối mũi tiêm nhanh chóng hơn.
Hiện, tất cả ứng viên vaccine đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người. Các mũi tiêm dựa trên cùng công nghệ mRNA dùng để bào chế vaccine Covid-19. Cuối năm 2024, một báo cáo cho thấy vaccine giúp chồn sương tạo ra phản ứng kháng thể mạnh chống lại virus, trong khi những con vật chưa được tiêm vaccine đã chết.
Khi nào vaccine có thể được cung cấp?
Trong khi việc phát triển vaccine mRNA chỉ mất vài tháng, thử nghiệm lâm sàng cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, vấn đề đầu tư vốn cho thử nghiệm lâm sàng sẽ làm chậm tiến độ nghiên cứu và đưa vaccine ra thị trường.
Trong lúc chờ đợi, các chuyên gia cho rằng có thể phát triển và phân phối vaccine cúm phổ quát. Một ứng viên vaccine đang thử nghiệm, có thể nhận biết 20 phân nhóm của các chủng cúm A và B, trong đó có H5N1. Dù vaccine không bảo vệ khỏi nhiễm trùng, song mũi tiêm có thể giảm ca bệnh nặng, hạn chế ca tử vong.
Ai nên tiêm phòng?
CDC Mỹ cho rằng nguy cơ cúm gia cầm đối với cộng đồng vẫn còn thấp, hiện không khuyến cáo người dân tiêm phòng H5N1. Một số chuyên gia cho rằng nên tiêm chủng cho người thường xuyên tiếp xúc gần động vật, người trong ngành công nghiệp sữa, tuy nhiên luận điểm này vẫn còn tranh cãi.
Còn Phần Lan tiêm chủng những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh bằng vaccine cúm gia cầm do Seqirus sản xuất, 15 quốc gia châu Âu khác đặt mua 40 triệu liều để dự trù cho tình huống khẩn cấp.
Bệnh cúm gia cầm ở người có thể gây bệnh nặng, diễn tiến nhanh và tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ và họng. hiện, cúm A/H5N1 chưa có thuốc điều trị. Ngoài vaccine, các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo gồm: không ăn thịt, giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh tay; tiêu hủy con vật khi có biểu hiện bệnh.
Chi Lê (Theo Time Magazine, AP)