TS.BS Trần Đức Hậu, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, giải thích thêm RSV là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... ở trẻ nhỏ.
Kháng thể đơn dòng Palivizumab do hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu và phát triển, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Tại Việt Nam, thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã triển khai tiêm kháng thể đơn dòng Palivizumab nhằm dự phòng bệnh viêm đường hô hấp dưới do RSV cho nhóm trẻ có nguy cơ cao. Cụ thể là trẻ dưới 6 tháng tuổi có tiền sử sinh non, trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh nền tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính.
Như bé Đăng Khôi và Minh Khôi, 2 tháng tuổi, sinh non lúc 26 tuần, cân nặng lúc sinh lần lượt là 750 g và 800 g. Bé Đăng Khôi có tiền sử loạn sản phế quản phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp, chảy máu phổi. Bé Minh Khôi bị loạn sản phế quản phổi, mắc bệnh tim bẩm sinh (còn ống động mạch). Các bé sau sinh được chăm sóc đặc biệt (NICU), nuôi dưỡng trong lồng ấp, gắn máy thở không xâm lấn. Khi sức khỏe ổn định, bác sĩ bệnh viện Tâm Anh tư vấn tiêm kháng thể đơn dòng dự phòng lây nhiễm trong thời điểm lưu hành RSV. Sau tiêm 30 phút, sức khỏe của các bé đều ổn định.
"Palivizumab là kháng thể đơn dòng IgG1κ được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp, chức năng tác động tương tự kháng thể tự nhiên trong cơ thể", bác sĩ Hậu giải thích. Palivizumab hoạt động theo cơ chế miễn dịch thụ động, đưa trực tiếp kháng thể đã được tạo sẵn vào cơ thể. Sau đó, chúng liên kết với protein F trên bề mặt virus RSV, giúp ngăn chặn quá trình hợp nhất màng tế bào và ức chế sự sao chép virus.
Ngay sau tiêm, kháng thể đã hiện diện trong máu, giúp trẻ nhận được sự bảo vệ tức thì. Hiệu quả phòng bệnh đạt được ổn định sau 2-3 ngày, không cần thời gian chờ để tạo miễn dịch tự nhiên như vaccine, theo bác sĩ Hậu. Liều dùng Palivizumab được khuyến nghị là 15 mg/kg/liều tiêm bắp, tiêm mỗi tháng một lần trong 5 tháng liên tiếp trong thời gian có nhiều ca mắc RSV.
Tại Việt Nam, virus RSV thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau ở miền Bắc, từ tháng 5 đến tháng 11 ở miền Trung và miền Nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 3,6 triệu ca nhập viện và khoảng 100.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do RSV. Tiến sĩ Hậu dẫn ra nghiên cứu đăng trên thư viện Y khoa Mỹ cho thấy khoảng 90% trẻ từng nhiễm RSV trong hai năm đầu đời và có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó tổng giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết RSV có thể lây lan dễ dàng qua giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Virus có thể tồn tại 6 giờ trên bề mặt, đồ chơi, bàn phím, tay nắm cửa, 25 phút trên da nhiễm bẩn và 4 tuần trong cơ thể trẻ em, người suy giảm miễn dịch. Trẻ sinh non hoặc có bệnh nền như tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi... nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng càng cao. Nhiễm RSV sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thông khí, tưới máu đã suy yếu sẵn ở nhóm trẻ này.
Kiểm soát bệnh phần lớn dựa vào phương pháp dự phòng thụ động như giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với trẻ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và bề mặt... Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Toản, Phó khoa Sơ sinh, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những biện pháp này chưa đủ, đặc biệt với nhóm trẻ nguy cơ cao. Thực tế có hơn 50% ca nhập viện do RSV xảy ra trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ xuất viện sau sinh.
Hiện các bệnh do RSV gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ chống suy hô hấp, nâng cao thể trạng. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh do RSV gây ra có thể tiến triển nặng, khiến trẻ bị suy hô hấp, xẹp phổi, bội nhiễm vi khuẩn, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Toản dẫn một số nghiên cứu ước tính nguy cơ trẻ sinh non bị viêm phổi nặng do RSV cao gấp 3,2 lần so với trẻ sinh đủ tháng. Ở trẻ dưới 24 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có ảnh hưởng huyết động, nguy cơ nhập viện do nhiễm RSV tăng 2,7-5 lần so với trẻ khỏe mạnh. Còn ở trẻ dưới 24 tháng bị loạn sản phế quản phổi, nguy cơ này tăng thêm khoảng 12,8-20 lần so với bình thường. Khi mắc bệnh, những trẻ này có nguy cơ cao phải nhập viện, điều trị hồi sức tích cực và hỗ trợ thở máy. Tình trạng này có thể trì hoãn phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh, gia tăng biến chứng ở trẻ sau phẫu thuật tim.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |