Ngày 14/11, học giả Brian Porter và Edouard Machery của đại học Pittsburgh (Mỹ) công bố bài nghiên cứu nhận định thơ của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến nhiều độc giả tưởng nhầm do người thật sáng tác.
Nhóm tác giả dùng ChatGPT 3.5 tạo 50 bài thơ theo phong cách của 10 thi hào gồm William Shakespeare, Emily Dickinson, Sylvia Plath, Geoffrey Chaucer, Samuel Butler, Lord Byron, Walt Whitman, TS Eliot, Allen Ginsberg và Dorothea Lasky. Tiếp đó, họ thực hiện hai thí nghiệm kiểm tra khả năng phân biệt và đánh giá thơ của hơn 2.000 người đọc phổ thông (không phải người trong giới phê bình hoặc sáng tác).
Đầu tiên, hai nhà nghiên cứu cho 1.634 người đọc 10 tác phẩm (năm bài thơ thật, năm bài của AI) để phân loại. Khoảng 58,5 % người xác định nhầm thơ của AI thành thơ do người viết. Hai tác giả Porter và Machery kết luận phần lớn người tham gia cảm thấy thơ AI "giống do con người viết ra còn hơn cả sáng tác của chính con người".
Trong thí nghiệm thứ hai, các học giả mời 696 người khác đánh giá thơ dựa trên 14 tiêu chí như vần điệu, tính trữ tình và nét độc đáo. Hai chuyên gia chia số người tham gia thành ba nhóm ngẫu nhiên: Nhóm được thông báo đọc thơ người viết, nhóm đọc thơ AI và nhóm không biết nguồn gốc. Dù vậy, tất cả đọc hai loại cùng lúc mà không hay biết.
Kết quả cho thấy những người nghĩ "đang đọc thơ con người viết" thường đánh giá cao tác phẩm đó. Nhóm không rõ nguồn gốc bài thơ lại có xu hướng nghiêng về AI. Hai học giả kết luận độc giả thích thơ máy móc tạo hơn trong trường hợp không rõ tác giả.
Từ hai thí nghiệm, tiến sĩ Porter nhận định hầu hết độc giả phổ thông không thể xác định các bài thơ do AI thực hiện, bởi thấy gần gũi và chuộng sáng tác của chúng hơn của con người.
Theo nhóm học giả, thơ của AI chinh phục được nhóm độc giả phổ thông hơn do có lối viết đơn giản, trực diện cả khi mô phỏng phong cách sáng tác của những nhà thơ lớn. Nhiều cá nhân trong thí nghiệm cảm thấy thơ người viết quá khó để thưởng thức, bởi cần sự tìm hiểu, diễn giải, cần có tư duy sâu sắc để hiểu. Ngược lại, AI có thể "truyền tải thông điệp, hình ảnh, tâm trạng và chủ đề một cách rõ ràng".
Trên Conversation, Andrew Dean - giảng viên chuyên ngành văn học đại học Deakin - cho biết độc giả hiện đại có vẻ không còn hứng thú phân tích thơ sâu, thay vào đó thích những văn bản cung cấp "câu trả lời ngay lập tức". Tiến sĩ Brian Porter cũng có quan điểm tương tự khi nói: "Nếu chỉ có thể đọc tác phẩm một lần duy nhất, bài thơ khiến bạn hiểu tức thì sẽ là bài được bạn thích hơn".
Mặt khác, các tác giả lý giải việc nhiều người xác định sai nguồn gốc tác giả do hiểu nhầm rằng: Tính lắt léo trong thơ của con người là do AI không có khả năng viết mạch lạc. Tờ Smithsonian giải thích quan điểm này: "Nói cách khác, độc giả có thể quá bối rối trước sáng tác của các nhà thơ thực thụ đến mức tự thuyết phục bản thân rằng lý do họ không hiểu thơ hẳn là do chatbot viết câu từ vô nghĩa".
Dù vậy, theo hai học giả Porter và Machery, "tính phức tạp và mơ hồ" là "một phần tạo nên sự hấp dẫn của thơ" vì có thể khơi gợi sự chiêm nghiệm, nhu cầu phân tích chuyên sâu của độc giả - điều AI hiện không làm được.
Bài nghiên cứu thu hút nhiều chú ý và quan điểm của truyền thông quốc tế sau khi công bố. Trên Guardian ngày 18/11, Joelle Taylor - tác giả tập thơ C+nto & Othered Poems đoạt giải TS Eliot năm 2022 - cho biết với kết quả trên, cô tin AI có khả năng sáng tác thơ một cách hoàn hảo nhờ học theo các thi phẩm nổi tiếng.
Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh tính nhân văn vẫn là giá trị cốt lõi của thể loại thơ. "Một bài thơ phải hơn một thuật toán. Mỗi tác phẩm bao hàm những ý nghĩa, lòng thấu cảm, tính khai sáng, các ý kiến bất đồng đan xen niềm đam mê và sự bất ngờ: Thơ tồn tại giữa không gian của sự lý tính và hỗn loạn", cô nói thêm.
Tờ Forbes đặt ra câu hỏi về bản chất của sự sáng tạo trong bối cảnh lằn ranh giữa các tác phẩm do máy móc và con người thực hiện dần xóa nhòa. Euro News cho rằng chuyện AI làm thơ hay bất kỳ thể loại nghệ thuật là vấn đề thú vị nếu ở góc độ chỉ đánh giá năng lực của chúng. Tuy nhiên, tạp chí nhấn mạnh các sản phẩm của AI cần được quản lý bằng mọi giá nếu không chúng ta sẽ bị hạ thấp thành "những người tiêu dùng vô hồn".
Theo Smithsonian, công trình học thuật của Brian Porter và Edouard Machery dường như xác nhận nỗi sợ hãi AI trong xã hội hiện nay. Một số cá nhân cho rằng công cụ này sẽ thay thế giới nghệ sĩ, khiến nhiều người mất việc. Tuy nhiên, thi sĩ Mỹ Dorothea Lasky, 48 tuổi, nhận định việc độc giả thích thơ AI không hẳn là chuyện xấu. Bà là nhà thơ đương đại duy nhất có tác phẩm được trưng dụng trong nghiên cứu của hai học giả.
"Thơ sẽ luôn cần thiết với con người. Tôi nghĩ cũng là điều hay khi mọi người thích tác phẩm AI hơn. Những người đó đã có trải nghiệm thú vị với thơ ca, còn tôi không quan tâm ai sáng tác. Tất cả đều có cơ hội làm thơ, kể cả những thi sĩ robot", bà nói với Washington Post.
Hiện việc AI xuất hiện trong lĩnh vực sáng tạo là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Tháng 10, hơn 13.500 cá nhân làm trong ngành nghệ thuật như văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu và truyền hình khắp thế giới ký vào tuyên bố phản đối việc khai thác trái phép chất xám của họ để đào tạo trí tuệ nhân tạo, cho rằng AI đe dọa kế sinh nhai của những nghệ sĩ có tác phẩm bị trưng dụng.
Tháng 11, NXB lớn nhất Hà Lan - Veen Bosch & Keuning (VBK) - thông báo muốn dùng AI hỗ trợ dịch tiểu thuyết tiếng Hà Lan sang tiếng Anh. Sáng kiến này vấp sự phản đối của các nhà văn và dịch giả. Michele Hutchison - người từng giành giải Booker Quốc tế năm 2020 với bản dịch từ The Discomfort of Evening của Lucas Rijneveld - nhận xét: "Việc nhận định những tác phẩm thương mại đó mang tính khuôn mẫu và không chứa nhiều yếu tố sáng tạo khá xúc phạm đối với các tác giả và người hâm mộ sách".
Chủ đề "Sáng tác của AI" cũng thu hút giới văn nghệ sĩ trong nước. Hồi tháng 10, tác giả Trần Đăng Khoa - "thần đồng thơ" một thời - nêu nhận định "AI viết văn hay, tả cảnh chi tiết, sinh động" sau khi có trải nghiệm dùng công cụ Chat GPT.
Phương Thảo (theo Guardian, Smithsonian, Forbes)