Hầu hết các ngân hàng đều sẽ đóng tài khoản có số dư 0 đồng và không phát sinh giao dịch chủ động trong khoảng thời gian từ 6 đến 18 tháng, tùy theo quy định riêng của từng ngân hàng.
Tại Techcombank, tài khoản thanh toán của khách hàng sẽ bị đóng nếu không phát sinh giao dịch chủ động trong thời gian liên tục, tối thiểu từ 12 tháng trở lên, đồng thời có số dư còn lại (sau khi đã thanh toán các loại phí) nhỏ hơn số dư tối thiểu là 50.000 đồng.
Tại Agribank, ngân hàng sẽ xem xét đóng tài khoản thanh toán có số dư thấp hơn số dư tối thiểu (đối với khách hàng cá nhân là 50.000 đồng) và không phát sinh giao dịch trong 12 tháng.
Một số ngân hàng cũng vừa thông báo về việc đóng tài khoản của khách hàng có thời gian dài không sử dụng.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) thông báo sẽ đóng tài khoản đối với tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân không còn số dư và không hoạt động liên tục trong 12 tháng từ sau ngày 15/7.
Khách hàng có thể làm thủ tục mở lại tài khoản nếu có nhu cầu sử dụng tiếp. Hồ sơ và quy trình mở lại tài khoản thanh toán tương tự như trường hợp mở mới tài khoản tại LPBank.
Thông báo về việc đóng tài khoản thanh toán tại Sacombank.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank) cũng thông báo từ ngày 11/7 sẽ đóng các tài khoản ngân hàng có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong ít nhất 6 tháng kể từ thời điểm tài khoản có số dư bằng 0.
Sacombank cho biết, việc đóng tài khoản dựa trên căn cứ theo thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản giữa Sacombank và khách hàng (khoản 2 Điều 5 tại Phụ lục Điều khoản và điều kiện đính kèm Phiếu đăng ký kiêm Hợp đồng sử dụng dịch vụ).
Để tài khoản không bị đóng, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng thực hiện một trong các cách sau:
Thực hiện ít nhất một giao dịch tài chính chủ động (nạp tiền, chuyển khoản...) vào tài khoản.
Truy cập vào ứng dụng ngân hàng số để trải nghiệm và thực hiện giao dịch bằng tài khoản.
Tại một số ngân hàng, như ACB, khách hàng không bắt buộc duy trì số dư tối thiểu nên tài khoản sẽ không bị khóa ngay cả khi có số dư 0 đồng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải trả một số khoản phí vì tài khoản có số dư ít hơn so với quy định của ngân hàng, như phí duy trì, phí thường niên, phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking/Mobile Banking,... Hệ thống của ngân hàng sẽ tự động trừ các khoản phí này khi khách hàng chuyển thêm tiền vào tài khoản.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024.
Thế nhưng, đến cuối tháng 5/2025, mới có hơn 113 triệu tài khoản khách hàng cá nhân được thu thập thông tin sinh trắc học.
Trong số khoảng 86 triệu tài khoản còn lại, một phần lớn không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Dự kiến, nhiều tài khoản trong số này sẽ bị các ngân hàng đóng vĩnh viễn.