Tác giả gốc Việt bàn về căn tính di dân

Nuage Rose - nữ nhà văn gốc Việt - không nói "đi" hay "về" giữa Pháp và Việt Nam bởi xem cả hai đều là quê hương.


Căn tính di dân là bản sắc văn hóa cá nhân được hình thành trong quá trình con người di chuyển qua các không gian địa lý. Nó thường gắn liền với ký ức, sự thích nghi và va chạm nhiều hệ giá trị. Khái niệm này ngày càng được quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi việc "thuộc về nơi nào" trở thành băn khoăn của nhiều người sống xa xứ.


Tại tọa đàm diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội, các nhà văn như Vanessa Vũ, Nuage Rose (Hồng Vân), Clément Baloup và nhà biên kịch kiêm sản xuất phim Nghiêm Quỳnh Trang - đều đang sống và viết ở châu Âu - chung quan điểm rằng mang căn tính di dân không phải là sự mất mát. Trái lại, nó cho phép mỗi người tiếp xúc, sống chung và trải nghiệm với nhiều cộng đồng văn hóa đa dạng.


Về vấn đề này, mỗi diễn giả có cách định nghĩa và liên tưởng riêng. Nuage Rose gợi đến "Thế hệ Chuối" (Banana Generation) - người Việt có ngoại hình Á Đông nhưng đã Tây hóa bên trong và "Thế hệ Trứng" (Egg Generation) - dù mang những đặc tính của người da trắng như vẻ ngoài hay môi trường sống, vẫn luôn hướng về cội nguồn. Theo bà, điều đáng mừng là ngày càng nhiều người trẻ trong cộng đồng hải ngoại thuộc "Thế hệ Trứng". Với Nghiêm Quỳnh Trang, từ việc thường xuyên qua lại giữa Czech và Việt Nam, cô hình dung mình như "chim di cư theo mùa".


Các nghệ sĩ đồng thời chia sẻ về ảnh hưởng của căn tính Việt Nam trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Vanessa Vu cho rằng ký ức tuổi thơ tại trung tâm tị nạn ở Pfarrkirchen và thân phận "người ở giữa" in hằn lên tư duy và văn phong cô. Cảm thức kiếm tìm một nơi chốn trở đi trở lại trong các sáng tác của nhà văn gốc Việt. Câu hỏi "Tôi là ai", "Tôi thuộc về đâu" đã có lúc khiến cô tự nhận mình là người Đức để có cảm giác được nương tựa. Nhưng giờ đây, cô ý thức rõ mình là người Việt Nam.


Với nhà văn Nuage Rose, căn tính Việt Nam luôn nằm trong máu thịt để rồi xuất hiện tự nhiên trong những khoảnh khắc không ngờ. Trong đó, tiếng Việt là khởi nguồn. Bà kể lại hai kỷ niệm: một lần, khi đi qua khu chợ ẩm ướt, bà bất giác nói với con bằng tiếng Việt: "Ôm mẹ kẻo ngã" và bé lập tức hiểu, vòng tay ôm khiến bà xúc động. Lần khác, trong thời gian ở khu cách ly tập trung vì Covid-19, nỗi nhớ mẹ và chị cả quá cố khiến bà nhận ra: viết chính là cách trò chuyện với những người thân yêu. Bà quyết định từ bỏ bản thảo tiếng Pháp để trở lại viết bằng tiếng Việt. Bởi chỉ tiếng Việt mới truyền tải trọn vẹn ý nghĩa của hành trình đối thoại ấy. Đó cũng chính là một trong những nguyên cớ cho sự ra đời của cuốn sách 120 ngày Mây thì thầm với gió được tác giả viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.


Quá trình đi tìm bản thể Việt giúp mỗi người thấu hiểu nội tâm. Vì thế, sáng tác hai cuốn truyện tranh: Ký ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến IIKý ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới là cách Clément Baloup khám phá căn tính để soi chiếu mình. Trên hành trình ấy, niềm vui với anh không chỉ là được nhìn sâu vào bên trong mà còn có cơ hội lắng nghe tiếng nói tri âm từ độc giả. Anh đồng thời bày tỏ mong muốn con cái và thế hệ sau có thể nhận diện sang chấn và hiểu rõ mình thông qua việc đọc sách - nơi lưu giữ ký ức và khơi gợi sự kết nối với cội nguồn.


Những ngày văn học châu Âu là chuỗi chương trình do Viện Văn hóa Quốc gia Liên minh châu Âu (EUNIC) khởi xướng. Năm nay, chủ đề được lựa chọn là Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu, khám phá hành trình sáng tác của các tác giả gốc Việt. Sự kiện diễn ra ngày 8-12/5 được tổ chức trong bối cảnh đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng như kỷ niệm 35 năm quan hệ với Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ với Cộng hòa Czech và 50 năm quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức.


Chuỗi hoạt động Những ngày Văn học châu Âu 2025 bao gồm các tọa đàm, thảo luận văn chương và workshop chuyên đề viết tiểu thuyết, kịch bản phim, graphic novel, podcast dành cho độc giả và những cây bút trẻ. Sự kiện có sự góp mặt của các tác giả gốc Việt, đạo diễn cùng các nhà phê bình văn học hàng đầu trong nước.


Khánh Linh









Tac gia goc Viet ban ve can tinh di dan


Nuage Rose - nu nha van goc Viet - khong noi "di" hay "ve" giua Phap va Viet Nam boi xem ca hai deu la que huong.

Tác giả gốc Việt bàn về căn tính di dân

Nuage Rose - nữ nhà văn gốc Việt - không nói "đi" hay "về" giữa Pháp và Việt Nam bởi xem cả hai đều là quê hương.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá