Ung thư phổi là bệnh xảy ra do sự phát triển bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Bệnh được chia thành hai nhóm chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Sỹ, Đơn vị Ung bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hóa trị có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác. Hóa trị gồm đường uống và tiêm truyền, thường dùng theo chu kỳ cách nhau 21-28 ngày (có thể dài hoặc ngắn hơn trong từng trường hợp cụ thể).
Hóa trị tân hỗ trợ (trước phẫu thuật) giúp giảm kích thước khối u, tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Hóa trị hỗ trợ (sau phẫu thuật) giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, giảm tỷ lệ tái phát và di căn xa. Người bệnh có thể được chỉ định hóa trị kết hợp với xạ trị trong trường hợp không thể phẫu thuật và ung thư chưa di căn xa. Người bệnh mắc ung thư phổi ở giai đoạn di căn xa, phải điều trị toàn thân, hóa trị là một trong các phương pháp điều trị chính.
Thuốc hóa trị tác dụng lên tế bào ung thư và ảnh hưởng đến tế bào lành tính nên có thể gây các tác dụng phụ như rụng tóc, mệt mỏi, suy kiệt, chán ăn, mất vị giác, buồn nôn... Người bệnh cũng có thể bị sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt choáng váng. Tiêu chảy, táo bón cũng là tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng phương pháp này.
Người bệnh hóa trị ung thư phổi có thể gặp các triệu chứng phát ban, da nhạy cảm, ngứa, rát, đen móng tay - chân. Viêm loét miệng khiến người bệnh khó ăn uống. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn mà người bệnh có thể gặp như thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, tăng men gan...
Theo bác sĩ Sỹ, các loại thuốc hóa trị khác nhau gây tác dụng phụ khác nhau. Trước mỗi chu kỳ hóa trị, bác sĩ khám và xét nghiệm máu để phát hiện và xử trí các tác dụng phụ. Khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được xử trí phù hợp.
Bác sĩ Sỹ khuyên trong quá trình hóa trị, người bệnh nên uống nhiều nước, trung bình khoảng hai lít mỗi ngày. Lượng nước có thể thay đổi phù hợp với từng người bệnh. Dùng kem dưỡng ẩm giúp da bớt khô, tránh viêm loét da. Người bệnh cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc nguồn lây nhiễm để phòng ngừa nhiễm trùng. Chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, đủ đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất... Bổ sung sắt và axit folic giúp người bệnh có đủ dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe tránh thiếu máu. Người bệnh nên tái khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường để được bác sĩ xử trí phù hợp.
Nguyễn Trăm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |