Mất 7 năm để chấp nhận mình là "người bình thường"
Trần Duy Trinh sinh năm 2000, từng học chuyên toán Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa.
Năm 2017, Trinh giành giải nhất tháng trong cuộc thi kiến thức của đài truyền hình tỉnh - một phiên bản quy mô nhỏ hơn của Đường lên đỉnh Olympia.
12 năm phổ thông, Trinh luôn là "con ngoan trò giỏi". Bố mẹ không cần thúc ép, Trinh vẫn ham học, tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ và đạt nhiều thành tích.

Kết thúc phổ thông, Trinh rất kỳ vọng vào bản thân, nghĩ rằng mình sau này sẽ làm cho những tập đoàn lớn, kiếm ra thu nhập "rất khủng".
7 năm trôi qua, chàng trai đội vòng nguyệt quế trên tivi ngày ấy đã bỏ học đại học từ lâu và giờ về quê làm "một người bán tạp hóa bình thường, không giỏi kiếm tiền".
Câu chuyện của Nguyễn Duy Trinh lập tức gây sốt mạng xã hội. Hàng nghìn bình luận bày tỏ sự khâm phục đối với việc một người từng là "con ngoan trò giỏi" dám nhìn thẳng vào thất bại, dám lựa chọn một cuộc sống bình dân thay vì sống trong ảo vọng hào quang của vòng nguyệt quế.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên , Trinh cho biết việc bỏ phố về quê của anh chưa bao giờ là sự trốn chạy, chấp nhận thất bại và buông xuôi. Cho dù cuộc sống diễn biến khác với những kỳ vọng của chính mình ở tuổi 18, Trinh luôn chọn những điều thử thách để tiến về phía trước.
Năm 2018, Nguyễn Duy Trinh thi đỗ vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hết năm thứ nhất, Trinh gặp khó khăn trong việc học, thấy bản thân và ngành học mình chọn không có sự liên quan nào.
Chàng trai nghĩ có thể do mình chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ nỗ lực nên cố học tiếp. Song, hết năm thứ hai, anh quyết định dừng lại vì "thực sự là không đúng rồi".
"Bố mẹ là hai người tôi thông báo đầu tiên. Tôi không muốn giấu giếm họ chuyện gì. Kết quả là tôi bị bố mẹ chửi suốt 3 năm. Thậm chí đến bây giờ, mỗi khi tôi gặp khó khăn trong công việc, bố mẹ vẫn nói "nếu ngày đó mày chịu học xong đại học thì đã khác"", Trinh tâm sự.
Nhiều thời điểm, Trinh thấy áy náy và có lỗi, song không ân hận vì quyết định bỏ học. Anh suy nghĩ, nếu mình cố học để chiều lòng bố mẹ thì cuộc đời của mình không biết sẽ ra sao. Hơn nữa, nếu sai càng sớm thì hậu quả càng nhỏ, sai càng muộn thì hậu quả càng to.
Rời giảng đường đại học, Trinh làm việc cho một cửa hàng bán gấu bông. Cửa hàng chỉ có 1 chủ 1 nhân viên nên Trinh có cơ hội tham gia vào mọi công đoạn của quy trình bán lẻ, từ lên kế hoạch marketing, quảng cáo, bán hàng, chăm sóc khách hàng…
Được 1 năm, cảm thấy cần có không gian lớn hơn để học hỏi, Trinh quyết định nghỉ việc, đi tìm cơ hội mới trong ngành truyền thông.
Trong 5 năm qua, Trinh "nhảy" việc vài lần. Dù không có bằng đại học, Trinh hầu như không thất bại khi đi xin việc. Kinh nghiệm thực chiến và khả năng tự học hỏi, tự cập nhật kiến thức khiến chàng trai sinh năm 2000 dễ chinh phục các nhà tuyển dụng. Tuy vậy, thành công và tiền bạc vẫn chưa đến với anh.
Những va vấp thực tế cùng những biến cố ở tuổi đôi mươi khiến Trinh dần chấp nhận sự thật rằng "mình là người bình thường".
Bỏ phố về quê không phải là chọn an nhàn
Hai năm trước, trong một lần về Thanh Hóa nghỉ lễ, Trinh bỗng nhận ra những tiềm năng phát triển ở quê nhà. Anh thổ lộ với bố mẹ ý định về quê lập nghiệp.
Nhiều tháng sau đó, bố mẹ liên tục thúc giục Trinh chuyện về quê. Song, phải đến tháng 10 năm ngoái, anh mới thực sự xếp lại giấc mơ thanh xuân, rời Hà Nội về Thanh Hóa để thực hiện một giấc mơ khác ở tuổi 25.

Hiện Trinh làm truyền thông - marketing cho một công ty trà tại địa phương. Công việc bán tạp hóa chỉ là "cộng tác" cho bố mẹ vào cuối tuần hay mỗi khi đông khách. Theo thói quen, mỗi sáng Trinh sẽ đi qua cửa hàng xem bố mẹ có cần hỗ trợ gì không rồi mới đi làm.
"Cuộc sống không vội vã, ít bon chen, khác với sự tất bật và mờ mịt tương lai ở Hà Nội. Nhưng an nhàn thì không.
Làm việc gì muốn có kết quả tốt thì đều cần cố gắng hết mình, vượt qua các thách thức. Bản thân tôi cũng không bỏ phố về quê để chọn an nhàn. Tôi về quê vì nhìn thấy cơ hội phát triển cho bản thân", Trinh nói.
Cựu nam sinh chuyên toán cũng tâm sự, khi buông kỳ vọng xuống, chấp nhận mình là người bình thường, anh đồng thời nhận ra rằng làm việc ở đâu không quan trọng bằng việc mình làm như thế nào và mang lại giá trị gì.
Không phải cứ bon chen nơi đô thị mới là chứng minh năng lực và thể hiện ý chí cầu tiến. Chọn không gian phù hợp để phát triển và không ngừng học hỏi cũng là một cách sống hướng về phía trước.

Một điều khác khiến Trinh hài lòng với quyết định bỏ phố về quê là được ở bên bố mẹ.
"Dù cũng từng kỳ vọng vào con trai, nhưng bố mẹ chưa bao giờ bắt tôi phải trở thành ai đó. Một trong những lý do bố mẹ lôi kéo tôi về quê bằng được là vì họ luôn muốn thấy tôi trong tầm mắt. Đến bây giờ, dù đã 25 tuổi, mẹ tôi đi đâu vẫn dặn tôi ở nhà khóa cửa, đừng mở cửa cho người lạ.
Tôi vui vì được bố mẹ yêu thương và chấp nhận mọi thứ ở mình", Trinh chia sẻ.