Theo dự báo mới nhất của Google Research, chuyển đổi số có thể mang tới 74 tỷ USD (khoảng 1.733 tỷ đồng) cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2030.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm công nghệ mới của châu Á, thu hút các doanh nghiệp và startup từ nhiều quốc gia tới đầu tư, khởi nghiệp.
Chia sẻ tại Diễn đàn Hợp tác số Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc khai thác lợi ích của trí tuệ nhân tạo (AI).
“Các lợi thế của Việt Nam đến từ lực lượng dân số trẻ, có trình độ học vấn và am hiểu công nghệ. Việt Nam lại là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 2 về kinh tế Internet ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách thúc đẩy việc triển khai các công nghệ số”, ông Thịnh nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Việt Nam còn nhiều dư địa để ứng dụng công nghệ AI nhằm phát triển các ngành kinh tế.
Trong đó, có thể kể tới các nhóm ngành như nông nghiệp và thực phẩm, tiêu dùng, bán lẻ và khách sạn, giáo dục và đào tạo, dịch vụ tài chính, sức khỏe, cơ sở hạ tầng,...
Chia sẻ góc nhìn với các doanh nghiệp công nghệ số Hàn Quốc đang có ý định tìm hiểu thị trường Việt Nam, chuyên gia của NIC cho rằng, giao thông vận tải và y tế là những lĩnh vực rất có tiềm năng khởi nghiệp AI tại Việt Nam.
Nêu các lý do thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc khởi nghiệp tại Việt Nam, theo ông Thịnh, ngoài những thuận lợi về nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc chia sẻ dữ liệu từ khu vực công cho khu vực tư nhân để sử dụng vào mục đích kinh doanh.
“Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong 6 nước được khảo sát tại khu vực Đông Nam Á về tiềm năng khởi nghiệp AI. Singapore hiện chiếm 44% startup trong lĩnh vực AI. Việt Nam chiếm 27% các startup AI, bỏ xa so với Indonesia và Thái Lan”, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia chia sẻ.
Để tận dụng các lợi thế sẵn có, Việt Nam hiện đang thúc đẩy việc ứng dụng AI với 3 trụ cột gồm phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, nâng cao kỹ năng AI cho người lao động và tạo ra môi trường thuận lợi cho “thế hệ AI”.
Việt Nam cũng đang có những cơ chế để khuyến khích đầu tư. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực AI, công nghệ cao khi vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.
Các ưu đãi này có thể gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm thuế trong 9 năm tiếp theo,...
Đối với một số lĩnh vực, ví dụ như ứng dụng AI trong tài chính, một số địa phương ở Việt Nam có thể ứng dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). “Trong 2 năm qua, Việt Nam đã ban hành 2 Nghị quyết và 1 Luật đặc thù, cho phép Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được thí điểm sandbox theo mô hình của Singapore”, ông Thịnh cho biết.
Trên thực tế, để hỗ trợ các startup, Việt Nam đang tập trung vào các chính sách phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái AI, đặc biệt là các nền tảng trong lĩnh vực AI.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Google để dựng lên nền tảng “AI Space”, cho phép các startup tham gia sử dụng miễn phí dịch vụ cloud (điện toán đám mây) và nhiều dịch vụ số khác.
Tổng số tiền mà các startup có thể tiết kiệm lên tới 350.000 USD trong vòng 2 năm. Đây được xem là những hậu thuẫn quan trọng nhằm giúp các startup yên tâm đầu tư, khởi nghiệp tại Việt Nam.
Diễn đàn Hợp tác số Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2024 do Bộ TT&TT tổ chức. Thông qua Diễn đàn, Bộ TT&TT kỳ vọng, Việt Nam có thể học tập nhiều hơn từ phía Hàn Quốc các bài học kinh nghiệm hay, cách làm đột phá để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung, thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ và giúp đỡ các nhóm yếu thế, cùng với đó là thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. |