Sống khỏe sau 14 năm ghép gan từ người cho chết não

Là người Việt Nam đầu tiên nhận lá gan từ người cho chết não, ông Trần Ngọc Thanh, quê Điện Biên, khỏe mạnh, có thể làm nương rẫy, xây dựng như người bình thường.


"Tôi không thể tin rằng mình đã sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua, tất cả đều nhờ bác sĩ và những người đã giúp đỡ tôi trong thời khắc sinh tử", ông Thanh nói hôm 2/12, khi hội ngộ ê kíp phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.


Năm 2010, khi được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chẩn đoán mắc bệnh gan giai đoạn cuối, tính mạng ông Thanh nguy kịch, thời gian sống chỉ tính theo ngày. Cơ hội duy nhất để ông sốt sót là ghép gan. Thời điểm đó, Việt Đức mới thực hiện ghép gan từ người cho sống, có hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Lần này, từ nguồn tạng hiến của một người chết não do tai nạn giao thông, các bác sĩ quyết định sẽ ghép gan cho ông Thanh.


Sau những giờ phút hội chẩn, phẫu thuật căng thẳng, ca ghép thành công, không chỉ hồi sinh sự sống cho người bệnh, mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y học nước nhà, GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc bệnh viện, người trực tiếp mổ, cho biết. Đây cũng là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi y bác sĩ Việt Đức, không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, thời gian thực hiện ghép nhanh chỉ trong 5 giờ 20 phút.


Chia sẻ với các bác sĩ, ông Thanh cho biết 14 năm qua sức khỏe tốt, hằng ngày vẫn làm các công việc nương rẫy, xây dựng, chỉ phải sử dụng thuốc thải ghép liều thấp. Các xét nghiệm lần này cho thấy chỉ số sức khỏe của ông Thanh ổn định.


"Việc người bệnh vẫn khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường sau một thời gian dài là minh chứng rõ ràng cho chất lượng dịch vụ y tế và kỹ thuật sau ghép, đồng thời thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước", PGS Quyết, nói.


Ghép gan là một trong kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh gan giai đoạn cuối. Đến nay kỹ thuật ghép gan Việt Nam đã trải qua 20 năm, đạt được nhiều thành tựu. Hiện Việt Nam có 9 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này và đã ghép cho hơn 600 ca, nguồn từ người cho sống và người chết não. Trong đó, ca ghép gan từ người cho chết chiếm 20%, còn lại là từ người cho sống.


Nam giới ghép gan nhiều hơn nữ. Độ tuổi ghép nhiều nhất là 16-60 (chiếm 57%), còn lại là trẻ em và người già. Bệnh nhân được ghép gan chủ yếu mắc các bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan, suy gan cấp, teo đường mật bẩm sinh...


Thông tin về người ghép gan sống lâu nhất thế giới chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sau khi ghép gan cho thấy khả năng sống khá cao: 86% bệnh nhân vẫn sống sau 1 năm, 78% sau 3 năm và 72% sau 5 năm. Tỷ lệ sống sau ba năm của bệnh nhân ghép gan tại Việt Nam đạt 73%, trên 5 năm là 65%, còn trên 10 năm là 32%. Điều này cho thấy rằng nhiều bệnh nhân có thể có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh sau khi ghép gan.


Lê Nga









Song khoe sau 14 nam ghep gan tu nguoi cho chet nao


La nguoi Viet Nam dau tien nhan la gan tu nguoi cho chet nao, ong Tran Ngoc Thanh, que Dien Bien, khoe manh, co the lam nuong ray, xay dung nhu nguoi binh thuong.

Sống khỏe sau 14 năm ghép gan từ người cho chết não

Là người Việt Nam đầu tiên nhận lá gan từ người cho chết não, ông Trần Ngọc Thanh, quê Điện Biên, khỏe mạnh, có thể làm nương rẫy, xây dựng như người bình thường.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá