Rau củ có thể chứa những mầm bệnh nào?

Rau củ chưa sơ chế kỹ hoặc chưa nấu chín, có thể lây nhiễm mầm bệnh viêm gan A, E.coli, tả.


Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết rau củ là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, nếu không được rửa sạch, sơ chế kỹ, rau củ có thể mang nhiều virus, vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa như sau:


E.coli


E.coli, viết tắt của Escherichia coli, một loại vi khuẩn xuất hiện nhiều trong môi trường tự nhiên và gây ra 30% số ca tiêu chảy mỗi năm tại Việt Nam. Một nghiên cứu của tại Mỹ công bố tháng 2/2024, cho thấy E.coli có mặt ở nhiều loại rau xanh như rau diếp cá, rau chân vịt, cải xoăn, cải xanh... Vi khuẩn phát triển mạnh hơn trên các loại rau so với các loại cải có bề mặt nhám.


Rau được rửa sạch có thể giảm bớt song không loại bỏ hoàn toàn E.coli. Ngoài ra, vi khuẩn này còn có thể tồn tại lâu dài trong nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh. Vi khuẩn sẽ chết khi bị đun sôi ở nhiệt độ 70 độ C trở lên.


Viêm gan A


Tại Mỹ năm 2003, bang Pennsylvania từng ghi nhận một đợt bùng phát viêm gan A lớn, với hơn 600 bệnh nhân mắc bệnh viêm gan cấp, 124 người nhập viện và 3 người đã tử vong. Nguyên nhân là một loại nước sốt của nhà hàng chứa hành lá bị nhiễm virus viêm gan A. Tại Việt Nam, năm 2018 tỉnh Đắk Lắk từng ghi nhận 6 ổ dịch viêm gan A với 80 trường hợp mắc bệnh, phần lớn là học sinh.


Virus viêm gan A lây qua đường tiêu hóa khi người chưa có miễn dịch ăn, uống thực phẩm nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước tiểu, phân của người bệnh. Nếu rau củ không được rửa kỹ, nấu chín có thể trở thành vật chứa virus viêm gan A gây bệnh.


Viêm gan A là bệnh cấp tính, ít khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ dẫn đến các biến chứng nặng ở người cao tuổi, đang mắc bệnh lý về gan, suy giảm miễn dịch. Một số ít trường hợp viêm gan tối cấp có thể tử vong. Virus viêm gan A sẽ bị tiêu diệt khi nấu thực phẩm ở nhiệt độ 85 độ C trong vòng một phút.


Rotavirus


Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, rotavirus sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên bề mặt rắn. Mầm bệnh vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Với sự bền vững này, việc rau xanh không được rửa kỹ hoặc rửa bởi nguồn nước nhiễm bẩn vẫn có nguy cơ lây truyền rotavirus.


Rotavirus gây tiêu chảy cấp dẫn đến mất nước. Trẻ em, người suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc bệnh, nếu không bù nước kịp thời có thể dẫn đến suy kiệt và tử vong nhanh chóng.


Tả, salmonella


Trực khuẩn salmonella và vi khuẩn vibrio cholerae gây bệnh tả đều lây truyền qua đường tiêu hóa thông qua thức ăn, nước uống, nguồn nước nhiễm bẩn. Trong đó, salmonella có 2 nhóm gây bệnh thương hàn và không thương hàn.


Bệnh thương hàn thường khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Có trường hợp người mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Vi khuẩn có thể tồn tại trong nước 2-3 tuần, trong phân 2-3 tháng và sống được 2-3 tháng trong nước đá.


Người mắc thương hàn nặng có thể bị rối loạn tri giác, tử vong. Sau khi hết triệu chứng lâm sàng, vi khuẩn tiếp tục được đào thải ra môi trường trong 2-3 tuần nên vẫn có nguy cơ lây nhiễm thông qua nguồn thức ăn như rau củ quả.


Còn bệnh không thương hàn do salmonella gây ra thường có các triệu chứng đường ruột như viêm dạ dày ruột, nhiễm khuẩn huyết và nhiễm trùng khu trú. Điển hình hồi tháng 5 năm nay, 500 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau khi ăn bánh mì tại một cửa hàng tại Long Khánh (Đồng Nai). Nguyên nhân được xác định có liên quan đến vi khuẩn có trong thực phẩm.


Trẻ em và người lớn đều có thể nhiễm tả và salmonella. Nếu không được điều trị kịp thời, tả có thể biến chứng sốc mất nước, trụy tim mạch, suy thận. Thương hàn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm màng não.


Cách phòng bệnh


Theo bác sĩ Thuyết, trong các tác nhân kể trên, viêm gan A, tiêu chảy do rotavirus, tả và thương hàn đã có vaccine phòng bệnh. Trong đó, vaccine rotavirus dùng đường uống cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 8 tháng tuổi. Qua độ tuổi này, trẻ không còn cơ hội phòng tiêu chảy do rotavirus bằng vaccine.


Vaccine viêm gan A và loại phối hợp phòng viêm gan A, B tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Vaccine tả, thương hàn uống/tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.


Bên cạnh đó, để phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống chín, đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi sơ chế thức ăn cần rửa tay bằng xà phòng, dùng nguồn nước sạch, tránh nhiễm khuẩn, thường xuyên vệ sinh nhà cửa tránh tạo thành ổ chứa các tác nhân gây bệnh.


Nhật Linh









Rau cu co the chua nhung mam benh nao?


Rau cu chua so che ky hoac chua nau chin, co the lay nhiem mam benh viem gan A, E.coli, ta.

Rau củ có thể chứa những mầm bệnh nào?

Rau củ chưa sơ chế kỹ hoặc chưa nấu chín, có thể lây nhiễm mầm bệnh viêm gan A, E.coli, tả.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá