Sáng 17/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo dự thảo, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì được miễn một số điều kiện quy định trong luật hiện hành. Đó là: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập; thường trú trong nước; thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên và có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Người chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ hoặc người chưa thành niên có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam cũng được miễn các điều kiện trên. Họ chỉ cần nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nếu cư trú ở nước ngoài.
Ngoài ra, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có người thân là công dân Việt Nam thì được giữ quốc tịch nước ngoài nếu phù hợp với pháp luật của nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến Việt Nam.
Dự luật cũng tạo điều kiện tối đa cho kiều bào trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đề xuất không quy định cụ thể về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam. Như vậy, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét.
Cơ quan soạn thảo cho rằng việc "nới lỏng" chính sách cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam và đơn giản hóa thủ tục là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách này giúp người nước ngoài, cộng đồng kiều bào về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Người tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước chỉ có quốc tịch Việt Nam
Dự luật nêu một số trường hợp chỉ được phép có một quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam.
Đó là người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương; người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, người tham gia lực lượng vũ trang của Việt Nam cũng chỉ được phép có quốc tịch Việt Nam. Chính phủ đề xuất được phép có ngoại lệ nếu xét thấy lợi cho Nhà nước, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Chính phủ cho biết một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người được bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm vào một số vị trí, chức danh là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên một số Luật khác chỉ quy định tiêu chuẩn, điều kiện là "công dân Việt Nam".
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định này nhằm bảo đảm vấn đề an ninh, lợi ích quốc gia cũng như tính trung thành, trách nhiệm của công dân Việt Nam đối với đất nước, nhất là khi tham gia vào các cơ quan dân cử, các cơ quan của hệ thống chính trị, tham gia lực lượng vũ trang, cơ yếu.
Để tạo sự linh hoạt, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết trường hợp ngoại lệ khi xét thấy có lợi cho đất nước.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (cơ quan thẩm tra) đánh giá quy định này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, khẳng định trách nhiệm, mối quan hệ của người được trở lại quốc tịch, người được nhập quốc tịch Việt Nam với đất nước.
Quốc hội sẽ thảo luận hội trường dự án Luật này vào ngày 29/5 và thông qua vào ngày 23/6.
Sơn Hà