Viêm phổi do phế cầu khuẩn là dạng nhiễm trùng hô hấp nghiêm trọng, xảy ra khi phổi bị vi khuẩn tấn công, gây viêm và tổn thương mô phổi. Để phát hiện bệnh, bác sĩ cần khám và có thể chỉ định một số biện pháp chụp chiếu, xét nghiệm phù hợp.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, viêm phổi do phế cầu khó phân biệt được với các loại bệnh hô hấp khác do triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Trong quá trình chẩn đoán, chụp X-quang đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ phát hiện sớm tổn thương phổi điển hình, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dấu hiệu đặc trưng thường xuất hiện trên phim chụp X-quang là hình ảnh phế quản chứa khí, cho thấy các phế nang xung quanh đã đầy dịch viêm nhưng lòng phế quản vẫn còn thông khí.
Tổn thương ở người bệnh được ghi nhận trên phim chụp X-quang có thể mất từ vài ngày đến vài tuần để cải thiện, ngay cả khi đáp ứng tốt với kháng sinh. Điều này giúp bác sĩ phân biệt viêm phổi phế cầu với các bệnh lý khác như phù phổi hoặc chảy máu phế nang, vốn có đặc điểm hình ảnh khác biệt trên X-quang.
Bác sĩ Hưng cho biết bên cạnh chụp X-quang, viêm phổi do phế cầu có thể được chẩn đoán thông qua một số xét nghiệm hỗ trợ chuyên sâu dưới đây.
Xét nghiệm máu thường cho thấy tình trạng bạch cầu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính - phản ánh cơ thể đang phản ứng với nhiễm khuẩn. Các chỉ số viêm như CRP, Procalcitonin có thể tăng cao, hỗ trợ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Xét nghiệm đờm như soi tươi và nuôi cấy đờm giúp xác định chính xác sự hiện diện của vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) trong dịch tiết hô hấp, nhờ đó bác sĩ lựa chọn kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, mẫu đờm có thể bị tạp nhiễm từ khoang miệng - hầu. Vì vậy, trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần xét nghiệm dịch rửa phế quản.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang thường, cho phép phát hiện các dấu hiệu đặc trưng. CT cũng hỗ trợ loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm phổi hoặc biến chứng như áp xe, tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ Hưng lưu ý phế cầu khuẩn có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Đặc biệt, môi trường đông đúc, thiếu thông thoáng như lớp học hay khu dân cư chật hẹp tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn này phát tán và xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến viêm phổi.
Trẻ có thể bắt đầu bằng các biểu hiện như ho, sốt cao, quấy khóc, bỏ bú và đặc biệt là thở nhanh (trên 40-50 nhịp mỗi phút tùy độ tuổi). Đối với người lớn, viêm phổi do phế cầu khuẩn cũng có thể khởi phát với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, cảm giác ớn lạnh, đau tức ngực, đau đầu. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Minh Đức
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |