Thống kê của UBND tỉnh Phú Thọ cho thấy, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) và tỉnh Hòa Bình (cũ) đăng ký lưu trú trên địa bàn Phú Thọ sau sáp nhập là 4.405 người, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 270 người và công chức, viên chức là 4.135 người.

Sở Xây dựng Phú Thọ đã xây dựng phương án bố trí nhà ở công vụ ngay từ ngày 1/7 tại các khu nhà ở đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn, gồm: Khu nhà khách Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, Khu chung cư sinh viên Khu đô thị Minh Phương, Khu nhà ở vận động viên thuộc Khu liên hiệp thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ, Khu nhà ở tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh dự kiến bàn giao cho UBND tỉnh Phú Thọ quản lý và Ký túc xá Trường THPT Chuyên Hùng Vương (cũ).
Về phương án bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức, Sở Xây dựng Phú Thọ đề xuất tại Khu nhà ở tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (dự kiến bàn giao cho UBND tỉnh Phú Thọ quản lý vào cuối năm 2025), Nhà ở xã hội tại khu Thành Công (phường Thanh Miếu) dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12 và Khu nhà ở xã hội cao tầng NO3 dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Tỉnh đã công bố thông tin 8 dự án nhà ở xã hội (dự kiến khởi công vào cuối năm nay hoặc quý I/2026) với khoảng 10.000 căn hộ để nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện.
Sở Tài chính Phú Thọ cũng đã đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nơi ở, phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gặp khó khăn về nhà ở và đi lại sau hợp nhất; phương án quản lý, bố trí, sử dụng trụ sở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Kết luận hội nghị về nội dung trên, ngày 7/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông nhấn mạnh hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Do đó, việc đảm bảo tổ chức, bộ máy hoạt động thông suốt, ổn định ngay từ ngày đầu thực hiện là nhiệm vụ then chốt.
Ông Đông yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc quản lý cán bộ sau sáp nhập; quản lý, sử dụng tài sản công đúng quy định, tránh gây thất thoát, lãng phí.
Ngay sau hội nghị, các sở, ngành tổng hợp số lượng cán bộ bố trí làm việc tại các địa phương và nhu cầu, phương án sử dụng trụ sở làm việc phù hợp với điều kiện thực tế; tổng hợp nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội trước mắt và lâu dài của cán bộ để xây dựng lộ trình bố trí cụ thể, theo yêu cầu của ông Đông.
Lãnh đạo Phú Thọ lưu ý, trong quá trình xây dựng phương án cần đảm bảo nguyên tắc không đầu tư dàn trải, tận dụng tối đa hạ tầng hiện có, phát huy hiệu quả các công trình công vụ đang sử dụng hoặc chưa khai thác đúng công năng.

Sở Xây dựng Phú Thọ được giao rà soát lại các khu nhà ở có nhu cầu cho thuê và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để cung cấp thông tin cho các sở, ngành, ưu tiên bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức khó khăn về nhà ở thuê mua.
Sở Tài chính được giao tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các quyết định phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; định mức sử dụng ô tô phục vụ chung cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên địa bàn.
Người đứng đầu UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, phối hợp đồng bộ để ổn định tổ chức bộ máy, đảm bảo hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sáp nhập thành tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2, quy mô dân số trên 4 triệu người và có 148 xã, phường thuộc tỉnh.
Trung tâm hành chính của tỉnh Phú Thọ mới được đặt tại thành phố Việt Trì (cũ).