Phổi tắc nghẽn mạn tính có di truyền không?

Ba tôi bị phổi tắc nghẽn mãn tính. Tôi có nguy cơ mắc bệnh này không và làm sao phòng ngừa? (Hà Linh, Tiền Giang)


Trả lời:


Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương khiến cho diện tích phổi thu hẹp, gây tắc nghẽn luồng khí ở phổi và các vấn đề hô hấp khác. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm khó thở, thở khò khè, hụt hơi, mệt mỏi, khó ngủ, ho dai dẳng, ho có đờm... Đây không phải là bệnh di truyền trực tiếp nên khả năng bạn mắc bệnh không cao. Tuy nhiên, tình trạng ít gặp liên quan đến gene gọi là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (AAT) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu cả bố và mẹ đều mang gene đột biến.


Nguyên nhân chính của COPD đến từ môi trường. Trong đó, hút thuốc lá là yếu tố hàng đầu (bao gồm cả hút chủ động lẫn thụ động), chiếm khoảng 90% các ca bệnh. Người tiếp xúc lâu dài với khói bụi, ô nhiễm không khí hoặc hóa chất độc hại từ nghề nghiệp như làm việc trong mỏ hay nhà máy cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Khói bếp từ củi hoặc than, phổ biến ở vùng nông thôn cũng góp phần làm tăng tỷ lệ COPD.


COPD là bệnh không lây nên nguy cơ lây trực tiếp từ thai phụ mắc bệnh cho thai nhi qua nhau thai là không xảy ra. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nặng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi, nhất là ba tháng cuối thai kỳ khi nhu cầu oxy tăng cao. Thiếu oxy kéo dài có thể làm chậm sự phát triển của bé hoặc gây biến chứng. Vì vậy, thai phụ cần kiểm soát tốt COPD trong suốt thai kỳ, duy trì điều trị, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.


Nếu sức khỏe hô hấp của bạn bình thường thì không cần quá lo. Tuy nhiên, nếu bạn có các dấu hiệu bất thường như khó thở tăng dần, mệt mỏi kéo dài, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp hay nội tổng hợp để kiểm tra. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như đo chức năng hô hấp (phế dung ký) hoặc đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) để đánh giá tình trạng phổi, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.


Bạn cũng nên tránh khói thuốc lá, bụi bẩn, không khí ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng. Ăn uống cân bằng, giàu vitamin C, E từ trái cây và rau xanh kết hợp chế độ vận động thường xuyên để hỗ trợ sức khỏe phổi. Bạn nên tiêm đủ các loại vaccine liên quan. Nếu lo ngại về yếu tố gene như thiếu hụt AAT, bạn có thể thực hiện các xét nghiệm di truyền để làm rõ, nhất là khi gia đình có tiền sử COPD sớm (trước 40 tuổi).


Bác sĩ Phạm Hữu Thái
Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp







Phoi tac nghen man tinh co di truyen khong?


Ba toi bi phoi tac nghen man tinh. Toi co nguy co mac benh nay khong va lam sao phong ngua? (Ha Linh, Tien Giang)

Phổi tắc nghẽn mạn tính có di truyền không?

Ba tôi bị phổi tắc nghẽn mãn tính. Tôi có nguy cơ mắc bệnh này không và làm sao phòng ngừa? (Hà Linh, Tiền Giang)
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá