Pacer cá nhân - xu thế mới của chạy bộ

Thuê một HLV riêng theo dõi toàn bộ quá trình luyện tập, lên chế độ ăn uống, bài chạy và chạy kèm khi vào race là xu thế của nhiều runner Việt Nam khi muốn nâng thành tích chạy bộ.


Những năm gần đây, phong trào chạy bộ của Việt Nam đang phát triển rực rỡ và mạnh mẽ. Theo số liệu từ Vietnam Trail Series, số lượng người tham gia các giải chạy lớn tăng trung bình 30% mỗi năm. Các giải chạy thuộc hệ thống VnExpress Marathon, Techcombank Marathon, VPBank International Marathon, Longbien Marathon... thường thu hút trên 10.000 runner - từ người mới bắt đầu tới những người đặt mục tiêu chinh phục các thành tích cá nhân (PR - Personal Record)...


Cùng với sự phát triển của phong trào chạy bộ, nghề pacer (người dẫn tốc) cá nhân bắt đầu xuất hiện và ngày càng được quan tâm. Pacer cá nhân không chỉ đóng vai trò dẫn tốc trong ngày thi đấu mà còn đồng hành cùng runner trong suốt quá trình tập luyện trước giải. Họ lên kế hoạch chiến thuật, hỗ trợ dinh dưỡng, tập bổ trợ, phục hồi và đánh giá hiệu suất tập luyện. Điều này giúp runner đạt mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn và giảm nguy cơ chấn thương.


"Pacer cá nhân không chỉ chạy cùng runner mà còn cần có kiến thức chuyên sâu về sinh lý học, dinh dưỡng, tâm lý thể thao... Một pacer cá nhân giỏi phải giúp tối ưu hóa được năng lực của runner", anh Hưng Võ - HLV chạy bộ đồng thời là pacer cá nhân hoạt động tại TP HCM - cho biết.


Công việc của pacer cá nhân


Khác với các pacer chính thức của giải đấu - những người phụ trách một nhóm lớn runner và chỉ thực hiện công việc trong ngày thi đấu, pacer cá nhân còn thực hiện một loạt nhiệm vụ quan trọng suốt quá trình tập luyện.


Trước khi bắt đầu, pacer cá nhân sẽ ngồi cùng runner để phân tích các mong muốn, mục tiêu cần đạt được và nắm rõ các vấn đề của người này. Sau đó, người dẫn tốc sẽ lên giáo án riêng phù hợp thể trạng và mục tiêu của người được dẫn tốc dựa trên các dữ liệu như nhịp tim, VO2max và khả năng hồi phục.


Trong quá trình hướng tới mục tiêu thi đấu, pacer cá nhân còn theo dõi mức độ hoàn thành bài tập của runner mỗi ngày, đánh giá các dữ liệu thu được từ Strava hay đồng hồ tập luyện, từ đó theo dõi tiến độ và điều chỉnh chiến thuật. Pacer cá nhân cũng chịu trách nhiệm đảm bảo cho người được dẫn tốc giữ pace ổn định cả trong các buổi tập lẫn khi thi đấu, tối ưu hiệu suất bằng cách phân phối sức hợp lý. Trong trường hợp có tình huống ngoài dự kiến xảy ra trên đường đua, pacer cá nhân cần có kinh nghiệm để xử lý, đảm bảo an toàn cho người được dẫn tốc. Những phần việc khác của một pacer cá nhân còn có tư vấn chiến thuật sử dụng gel, muối khoáng, bổ sung protein, cũng như các phương pháp hồi phục như massage, ngâm lạnh...


Ngoài các chi tiết chuyên môn, pacer cá nhân còn hỗ trợ tâm lý cho runner khi thi đấu. "Họ hiểu được từng bước chân hơi thở của mình qua một thời gian dài tập luyện cùng, đặc biệt là ở các bài long run, nên sẽ động viên tinh thần, giúp mình vượt qua giới hạn của bản thân, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng của cuộc đua - lúc muốn bỏ cuộc, hoặc khi sắp hoàn thành mục tiêu...", anh Đặng Vĩnh Hùng - thành viên cộng đồng adidas Runners và từng nhiều năm sử dụng dịch vụ pacer cá nhân - cho biết.


Pacer cá nhân là công việc làm vì đam mê


Hoàng Tân là giáo viên, nhưng đam mê chạy bộ, và là một trong những người đầu tiên vận hành mô hình pacer cá nhân tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm làm pacer chính thức cho nhiều giải chạy lớn, Hoàng Tân quyết định chuyển hướng sang làm pacer cá nhân sau một lần gặp chấn thương. Anh thành lập tổ chức 3M Pacer với mạng lưới pacer khắp 3 miền.


"Pacer cá nhân không đơn thuần chỉ là chạy cùng VĐV. Chúng tôi phải lên bài tập hàng ngày, kiểm tra dữ liệu pace, nhịp tim, đánh giá sự tiến bộ và điều chỉnh giáo án liên tục để đảm bảo VĐV đạt mục tiêu", thầy giáo Hoàng Tân cho hay. Anh còn đặt ra quy tắc khắt khe cho bản thân và các thành viên 3M Pacer: "Nếu không giúp VĐV đạt thành tích mong muốn, pacer sẽ không nhận thù lao".


Cuối tháng 3, tại Tiền Phong Marathon 2025 diễn ra tại Quảng Trị, anh Hoàng Tân nhận lời cảm ơn từ Nguyễn Anh Tuấn sau khi giúp runner U60 này giành giải lứa tuổi. Anh Tuấn đã đạt liên tiếp 6 PR với sự hỗ trợ của anh Hoàng Tân. Thành tích tốt nhất của anh hiện tại là 3 giờ 14 phút 53 giây ở Tiền Phong Marathon 2025, cải thiện 12 phút so với Longbien Marathon 2024. Kết quả này giúp Anh Tuấn giành giải nhì lứa tuổi 50-59.


"Tôi tự hào vì mình đã vượt qua thử thách và giới hạn của bản thân. Mỗi bước chạy là một minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng. Khi nhận huy chương, tôi biết đó không chỉ là thành quả của riêng mình. Cảm ơn Hoàng Tân - người hướng dẫn bài vở tập luyện, đồng hành với tôi trên đường đua 2 năm qua" - anh Nguyễn Anh Tuấn nói với VnExpress sau khi trở về từ Tiền Phong Marathon.


Mục tiêu của Hoàng Tân là sẽ tiếp tục lên bài tập riêng để giúp VĐV Nguyễn Anh Tuấn chinh phục PR tiếp theo tại VnExpress Marathon Volvo All-Star ngày 20/4. Hai người thống nhất mục tiêu giảm 50 giây so với Tienphong Marathon.


Tuy nhiên, về thu nhập từ nghề pacer cá nhân, anh Hoàng Tân nói rằng công việc này chủ yếu được làm vì đam mê. Anh chia sẻ mức phí cho một VĐV muốn huấn luyện cho cự ly half marathon (21,0978km) là khoảng 1,5 triệu đồng (đối với các giải chạy tổ chức ở miền Bắc) và marathon (42,195km) có giá gấp đôi - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, pacer sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí BIB (vé tham gia), chi phí đi lại. Chẳng hạn, pacer Cường Muối thuộc nhóm của Hoàng Tân nhận hợp đồng 2 triệu đồng cho VĐV tham gia giải Tienphong Marathon 2025, nhưng chi phí toàn bộ chuyến đi tới Quảng Trị lên tới 6 triệu đồng, khiến anh thậm chí còn lỗ vốn.


Hoàng Tân thừa nhận, thu nhập từ nghề pacer cá nhân không đủ để bù đắp chi phí bỏ ra và trong nhiều trường hợp, công việc này thực sự chỉ mang tính đam mê hơn là lợi nhuận. "Giúp đỡ mọi người và theo đuổi niềm đam mê thể thao là mục đích chính của chúng tôi", anh nói.


Xu hướng dùng pacer cá nhân


Theo Hoàng Lê - HLV trưởng của cộng đồng chạy bộ VietMarathoners, thời gian tới, nhu cầu về pacer cá nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt khi runner tham gia các giải marathon không chỉ đơn thuần là mong muốn hoàn thành cự ly mà còn đặt mục tiêu đạt được những thành tích cụ thể.


Bên cạnh đó, việc runner trong nước có xu hướng tìm đến các giải chạy lớn ở nước ngoài cũng sẽ tạo ra cơ hội cho nghề pacer cá nhân. "Một bộ phận runner có điều kiện về tài chính và muốn trải nghiệm các giải chạy lớn hơn tại nước ngoài về quy mô, số lượng VĐV, cách thức tổ chức... Và vì đi nước ngoài, có thể nhiều người sẽ còn lạ lẫm, cần có người đi trước hướng dẫn, nên nhu cầu có người đồng hành, đi cùng ở các giải đấu kèm theo một khoá tập luyện và pacer là điều tất yếu", HLV Hoàng Lê cho biết thêm.


Thùy Liên









Pacer ca nhan - xu the moi cua chay bo


Thue mot HLV rieng theo doi toan bo qua trinh luyen tap, len che do an uong, bai chay va chay kem khi vao race la xu the cua nhieu runner Viet Nam khi muon nang thanh tich chay bo.

Pacer cá nhân - xu thế mới của chạy bộ

Thuê một HLV riêng theo dõi toàn bộ quá trình luyện tập, lên chế độ ăn uống, bài chạy và chạy kèm khi vào race là xu thế của nhiều runner Việt Nam khi muốn nâng thành tích chạy bộ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá