Nissan đối mặt `cuộc tàn sát chi phí` khi sáp nhập với Honda

Carlos Ghosn, cựu chủ tịch bị truy nã của Nissan, nói rằng hãng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cắt giảm chi phí nếu sáp nhập với Honda.


Trong buổi trả lời phỏng vấn trên CNBC hôm 24/12, Carlos Ghosn - người đang sống ở Lebanon - nói rõ quan điểm về cuộc sáp nhập trong tương lai giữa hai hãng xe Nhật.


Ghosn bày tỏ sự lo ngại khi nhận định Honda sẽ là bên chủ động, và điều này gây tiếc nuối cho ông sau 19 năm lãnh đạo Nissan và đưa hãng lên vị trí hàng đầu trong ngành. Ghosn cũng thấy buồn khi các hãng trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát vì sự trùng lặp hoàn toàn giữa Nissan và Honda.


Ghosn, người từng dẫn dắt liên minh ôtô gồm Nissan-Renault-Mitsubishi, hiện sống tại Lebanon sau khi bị bắt ở Nhật Bản vào tháng 11/2018, trốn khỏi nước này cuối năm 2019, và đối mặt với 4 cáo buộc, bao gồm che giấu thu nhập và tư lợi thông qua các khoản thanh toán cho đại lý ở Trung Đông. Nissan đã sa thải ông. Ghosn phủ nhận toàn bộ cáo buộc, cho rằng các hồ sơ được làm giả.


Về tương lai sáp nhập của Nissan và Honda, Ghosn nhấn mạnh không có sự bổ sung nào rõ ràng giữa hai hãng này, và nếu muốn tạo ra sự hợp lực thì có thể sẽ thông qua việc cắt giảm chi phí, việc trùng lặp trong kế hoạch và công nghệ. Theo Ghosn, Nissan - đối tác nhỏ hơn - phải trả giá cho điều đó.


Ghosn cũng nhắc đến sự hợp tác trước đây giữa Nissan và hãng Renault của Pháp, mà ông cho rằng có nhiều sự bổ sung hơn so với Honda.


Có một điểm chung giữa những gì Ghosn đang nói đến về cuộc sáp nhập giữa Nissan và Honda hiện nay với những việc ông đã làm trước đây.


Thời đó, Ghosn còn có biệt danh "sát thủ chi phí" (cost killer) nhờ chủ trương cắt giảm chi phí, nhân viên, đóng cửa một số nhà máy không hiệu quả và giúp hãng xe nước Pháp Renault hồi sinh và có lãi trở lại. Sang Nissan, Ghosn cắt giảm hàng nghìn nhân viên, đóng cửa nhà máy, tối giản chi phí sản xuất và thiết lập lại quan hệ với các đối tác, nhà cung cấp. Nhờ đó, Nissan dần có lãi và giảm nợ chỉ sau hai năm.


Tuần trước, Nissan và Honda xác nhận bắt đầu đàm phán chính thức về việc hợp nhất. Theo các đề xuất hiện tại, một công ty cổ phần sẽ đóng vai trò là công ty mẹ và sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Honda - có vốn hóa thị trường lớn gấp 4 lần Nissan - đề cử hầu hết các thành viên hội đồng quản trị của thực thể mới. Đối tác chiến lược của Nissan, Mitsubishi, cũng đang tham gia thảo luận về việc gia nhập nhóm.


Liên kết trị giá 54 tỷ USD giữa Nissan-Honda sẽ vượt qua Hyundai của Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới theo doanh số, đứng sau Toyota và Volkswagen. Nhóm liên kết này cũng sẽ đặt cột mốc trong việc hợp nhất ngành công nghiệp ôtô, điều đã được dự đoán từ lâu ở cả Nhật Bản và toàn cầu khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả để phát triển xe điện và công nghệ lái tự động.


Các giám đốc điều hành của cả Honda và Nissan, vào hôm 23/12, đều nhấn mạnh rằng một công ty kết hợp sẽ giúp chia sẻ trí tuệ và nguồn lực cần thiết để cạnh tranh trong chuyển đổi xe điện và mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô, nâng lợi nhuận hoạt động lên mức dự kiến 3 nghìn tỷ yen (19,1 tỷ USD) trong dài hạn.


Nissan đang tiến hành kế hoạch hợp nhất đầy tham vọng này trong khi cùng lúc thực hiện tái cấu trúc sâu rộng mà hãng đã công bố vào tháng 11, sẽ giảm 20% năng lực sản xuất toàn cầu và cắt giảm 9.000 việc làm.


Giám đốc điều hành Honda, Toshihiro Mibe, thừa nhận rằng một số cổ đông có thể cảm thấy Honda sẽ hỗ trợ Nissan vốn đang gặp khó khăn trong thương vụ này, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán hợp nhất kinh doanh sẽ "không thể thành hiện thực" nếu hai nhà sản xuất ôtô không thể tự đứng vững.


Tuy nhiên, Ghosn nói với CNBC rằng kế hoạch hợp nhất này cho thấy "Nissan đang ở trạng thái hoảng loạn, tìm kiếm ai đó để cứu họ khỏi tình huống hiện tại vì họ không thể tự tạo ra giải pháp".


Ông bày tỏ "nghi ngờ cao" về khả năng thành công của việc đảo ngược tình hình tại Nissan mà không đưa ra chi tiết cụ thể.


Kei Okamura, phó chủ tịch cấp cao và quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Neuberger Berman, cho biết cần hoàn thiện chi tiết kế hoạch sáp nhập. Ông nhấn mạnh rằng nhà đầu tư nên suy nghĩ về triển vọng lợi nhuận 3-5 năm. Những gì được công bố hôm 23/12 chỉ là ngắn hạn. Vấn đề duy nhất là làm thế nào để thực thể sau sáp nhập đạt được điều đó, với nhiều bất định phía trước.


Theo Okamura, việc tích hợp sau sáp nhập rất cần thiết. Nếu các công ty không thể thực sự tích hợp về con người, tài sản và văn hóa, thì thỏa thuận có nguy cơ bị hủy bỏ. Cũng phải cân nhắc rằng thỏa thuận có thể không diễn ra nếu Nissan không thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc.


Mỹ Anh









Nissan doi mat 'cuoc tan sat chi phi' khi sap nhap voi Honda


Carlos Ghosn, cuu chu tich bi truy na cua Nissan, noi rang hang nay se chiu anh huong lon tu cat giam chi phi neu sap nhap voi Honda.

Nissan đối mặt 'cuộc tàn sát chi phí' khi sáp nhập với Honda

Carlos Ghosn, cựu chủ tịch bị truy nã của Nissan, nói rằng hãng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cắt giảm chi phí nếu sáp nhập với Honda.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá