Không phải tất cả tỷ phú thế giới đều có năm 2024 ăn nên làm ra. Tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại và thị trường chứng khoán châu Âu đi xuống là nguyên nhân chính khiến tài sản của hàng trăm tỷ phú sụt giảm trong năm nay. Theo Bloomberg Billionaires Index, dưới đây là 10 tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất năm qua.
1. Bernard Arnault
Tài sản: 176 tỷ USD
Giảm: 31 tỷ USD
Ông chủ đế chế hàng xa xỉ LVMH Bernard Arnault là người mất tiền nhiều nhất năm nay. Arnault vẫn là người giàu nhất thế giới trong vài tháng đầu năm, nhưng sau đó dần tụt hạng khi cổ phiếu LVMH mất giá do nhu cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc. Hiện tại, ông chỉ còn sở hữu 176 tỷ USD và là người giàu thứ 5 thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index.
2. Francoise Bettencourt Meyers
Tài sản: 74,6 tỷ USD
Giảm: 25 tỷ USD
Tương tự, nhu cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc cũng khiến hãng mỹ phẩm L’Oréal lao đao. Doanh số của hãng này tại Bắc Á giảm 6,5% trong quý III. Công ty này mô tả môi trường tại Trung Quốc hiện "đầy thách thức". Cổ phiếu L’Oréal giảm 23% từ đầu năm, khiến tài sản của Francoise Bettencourt Meyers - cháu gái nhà sáng lập L’Oréal - mất 25 tỷ USD. Dù vậy, bà hiện vẫn là phụ nữ giàu thứ hai thế giới, sau Alice Walton của gia đình thừa kế Walmart.
3. Carlos Slim
Tài sản: 81,9 tỷ USD
Giảm: 23,4 tỷ USD
Nguồn tài sản chính của tỷ phú Mexico là cổ phần trong hãng viễn thông América Móvil. Công ty này kinh doanh tại 22 quốc gia châu Âu và Mỹ Latin. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng này đã giảm gần 10% năm nay. Cộng với việc đồng peso Mexico mất giá so với đôla Mỹ, tài sản của Slim giảm hơn 23,4 tỷ USD từ đầu năm.
4. Colin Huang
Tài sản: 34,8 tỷ USD
Giảm: 16,7 tỷ USD
Colin Huang là nhà sáng lập PDD Holdings - công ty mẹ ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. Huang từng lên vị trí người giàu nhất Trung Quốc giữa năm nay, khi Temu tạo ra cơn sốt trên toàn cầu. Tuy nhiên, cổ phiếu PDD Holdings lao dốc từ tháng 8 sau báo cáo tài chính quý II không như kỳ vọng, khiến tài sản của Huang cũng sụt giảm. Hiện tại, ông là người giàu thứ 4 Trung Quốc với tài sản 34,8 tỷ USD.
5. Francois Pinault
Tài sản: 21,6 tỷ USD
Giảm: 13,9 tỷ USD
Pinault là chủ tịch danh dự của tập đoàn hàng xa xỉ Kering - sở hữu các thương hiệu Saint Laurent, Alexander McQueen và Gucci. Cũng như các công ty khác trong ngành, Kering chịu tác động lớn khi nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc suy yếu. Năm nay, cổ phiếu tập đoàn này đã giảm 40%, khiến tài sản của Pinault bốc hơi gần 14 tỷ USD.
6. Zhong Shanshan
Tài sản: 57 tỷ USD
Giảm: 10,7 tỷ USD
Zhong Shanshan hiện là Chủ tịch hãng đồ uống Nongfu Spring (Trung Quốc) - hãng có thị phần nước đóng chai lớn nhất nước này. Khối tài sản của Zhong đã bốc hơi gần 11 tỷ USD năm nay, do cổ phiếu Nongfu Spring giảm sút. Nguyên nhân chính là cuộc chiến giá và hàng loạt scandal về chất lượng sản phẩm. Dù vậy, ông vẫn là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện tại.
7. Gina Rinehart
Tài sản: 16,6 tỷ USD
Giảm: 10,6 tỷ USD
Tỷ phú Australia hiện là chủ tịch công ty khai khoáng Hancock Prospecting. Bà từng là người giàu nhất nước, nhưng hiện chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Năm nay, tài sản của bà giảm tới 10 tỷ USD.
8. Andrew Forest
Tài sản: 22,4 tỷ USD
Giảm: 7,6 tỷ USD
Andrew Forest hiện là người giàu nhất Australia. Ông là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hãng khai thác quặng sắt Fortescue Metals Group. Năm nay, cổ phiếu hãng này giảm gần 37%, khiến tài sản của Forest bốc hơi hơn 7 tỷ USD.
9. Phil Knight
Tài sản: 35 tỷ USD
Giảm: 7,5 tỷ USD
Knight là nhà sáng lập hãng trang phục thể thao Nike. Gần đây, hãng này đối mặt với thách thức từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu mới nổi. Nike cũng bị chỉ trích vì thiếu các mẫu giày mang tính đột phá. Từ đầu năm, cổ phiếu Nike giảm 28%, khiến tài sản của Knight mất 7,5 tỷ USD.
10. Gautam Adani
Tài sản: 76,9 tỷ USD
Giảm: 7,3 tỷ USD
Tỷ phú Ấn Độ gần đây gặp nhiều rắc rối. Tháng trước, ông bị giới chức Mỹ truy tố với cáo buộc hối lộ hơn 250 triệu USD cho giới chức Ấn Độ để đổi lấy các hợp đồng cung cấp năng lượng mặt trời. Việc này được cho là khiến nhà đầu tư Mỹ bị tổn hại. Tài sản của Adani cũng chịu ảnh hưởng từ năm ngoái, do cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 2 năm qua với hãng nghiên cứu Hindenburg Research (Mỹ). Công ty này cáo buộc Adani và các công ty của ông gian lận tài chính, thao túng thị trường chứng khoán.
Hà Thu (theo Bloomberg, Forbes)