Những nạn nhân khốn khổ của nhóm chuyên dùng ảnh ghép, đồi trụy để đòi nợ

Hàng tháng, nhân viên thu hồi nợ của Thống được cung cấp từ 400-500 hợp đồng vay gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng để đòi nợ bằng những “chiêu bẩn”.


Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội đang xét xử 45 bị cáo trong đường dây đòi nợ kiểu "khủng bố". Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.


Trước đó, vào năm 2017, Lê Quốc Thống (SN 1978, ở TPHCM) và Trần Hồng Tiến (SN 1974) cùng nhau thành lập nhiều công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (Công ty Mirae Asset), sau đó tổ chức thu hồi nợ.


Từ tháng 7/2018-8/2022, nhóm của Thống và Công ty Mirae Asset đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay của các khách hàng cá nhân vay của Công ty Mirae Asset. Tổng giá trị 238.160 hợp đồng hơn 3.555 tỷ đồng, Công ty đã đòi được hơn 571 tỷ đồng.


Khi đã có trong tay thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành (Accout) cùng bộ phận kỹ thuật (IT) cập nhật thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty rồi đòi nợ bằng "chiêu bẩn".


Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VA

Các đối tượng đòi nợ bằng cách dùng nhiều số điện thoại khác nhau (sử dụng sim “rác”) liên tục gọi trong thời gian dài, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của “con nợ” với mục đích tạo sức ép khiến khách hàng phải trả. Nếu khách hàng không trả tiền, các đối tượng sẽ cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật.


Sau đó, các đối tượng tạo lập, dùng các tài khoản Facebook, Zalo ảo đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền. Hàng tháng, công ty của Thống và Tiến cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400-500 hợp đồng vay (gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng) để đòi nợ.


Những “con nợ” khốn khổ vì bị đòi nợ bằng “chiêu bẩn”


Nhiều người đã trở thành nạn nhân khốn khổ của nhóm đòi nợ trên. Trong số đó phải kể đến bà D. (SN 1970, ở TP Đà Nẵng). Tháng 2/2018, bà D. vay của Công ty Mirae Asset 32 triệu đồng, trong 24 tháng, mỗi tháng trả 1,4 triệu đồng. Trả nợ được 10 tháng thì bà D. không trả nợ tiếp được.


Tháng 1/2021, Công ty Mirae Asset bán khoản nợ của bà D. cho công ty của Thống. Lúc này tính cả lãi, khoản nợ đã lên đến 100 triệu đồng.


Tháng 4/2022, nhân viên thu nợ tên Mai của công ty Thống gọi điện đòi nợ bà D. nhưng không được. Mai sau đó vào hồ sơ và lên các tài khoản Facebook tìm kiếm thông tin về người thân, họ hàng của bà D. rồi dùng phần mềm đổi giọng nam giới, gọi điện cho người thân của bà đòi nợ, chửi bới, lăng mạ em gái bà yêu cầu trả tiền.


Để đòi nợ, Mai còn lên mạng xã hội tải ảnh gia đình bà D., cắt, ghép hình ảnh gia đình “con nợ” kèm theo nhiều nội dung bịa đặt như: “con rể bà D. quan hệ bất chính với con gái thứ hai của bà”; “thông báo truy tìm đối tượng giật nợ (ghép ảnh bà D. và em gái câu kết lừa đảo)… Cuối cùng bà D. đã phải trả 80 triệu đồng để được yên thân.


Một nạn nhân khác là anh H. (SN 1993, ở tỉnh Phú Thọ cũ). Anh H. vay 30 triệu đồng của Công ty Mirae Asset, sau 4 tháng thì không trả nợ được tiếp. Tháng 1/2022, Công ty Mirae Asset bán khoản nợ của anh H. cho công ty của Thống. Khi đó khoản nợ nhân lên thành 65 triệu đồng cả gốc và lãi.


Tháng 5/2022, nhân viên đòi nợ tên Huân gọi điện cho anh H. , gọi điện liên tục đến công ty của “con nợ” để đòi tiền nhưng không được nên đã gọi điện cho chị Y., đồng nghiệp của anh H., yêu cầu chị này bảo anh H. trả nợ.


Để gây sức ép, Huân thêm số điện thoại và thông tin của chị Y. vào nhóm “Sugar baby và daddy Sài Gòn” nhằm bôi xấu chị Y. Thậm chí Huân còn gọi điện cho mẹ vợ anh H. yêu cầu bà bảo con rể trả nợ, nếu không sẽ giết con gái bà… Do lo sợ, cuối cùng anh H. đã phải trả 55 triệu đồng cho nhóm đòi nợ.


Chị T. (SN 1981) cũng bị nhóm đòi nợ của Thống cắt ghép hình ảnh vợ chồng chị chơi bời, trốn nợ không trả rồi đăng lên Facebook của chồng chị T. Thậm chí nhóm đòi nợ của Thống còn gọi điện cho viện trưởng và viện phó VKSND nơi mẹ của “con nợ” làm việc để nhắn “con nợ” trả tiền.


Bi kịch xảy ra khi người phụ nữ ở Hà Nội treo cổ tự tử do bị đánh ghen, đòi nợ Cùng lúc vừa bị đánh ghen, vừa bị hành hung ép trả nợ, người phụ nữ ở Hà Nội đã treo cổ tự tử, để lại đơn tố giác tội phạm.
Viện trưởng VKSND huyện cũng bị nhóm đòi nợ kiểu 'khủng bố' gọi tới Sau khi mua lại các khoản nợ xấu, công ty chuyên đòi nợ cho nhân viên thu hồi nợ bằng chiêu trò ''khủng bố'', khiến các nạn nhân điêu đứng.