Tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn (sudden unintended acceleration - SUA) được mô tả là sự tăng tốc bất ngờ, không kiểm soát của phương tiện. Lỗi này có thể đến từ người lái xe nhầm chân ga và phanh, hoặc các vấn đề về cơ/điện của xe, cùng các nguyên nhân khách quan khác. Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) ước tính có khoảng 16.000 vụ tai nạn mỗi năm tại quốc gia này, với nguyên nhân là người lái xe có ý định phanh nhưng lại nhầm chân ga.
Nguyên nhân khách quan
Đầu tiên, các yếu tố khách quan có thể gây ra hiện tượng tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn là thảm sàn bị mắc vào chân ga, chân ga bị hỏng không quay về vị trí cũ sau khi đạp, hoặc các xe sử dụng hệ thống chân ga điện tử bị lỗi.
Thông thường thảm ôtô được thiết kế có thêm hai chốt để cố định xuống sàn, không cho thảm xê dịch. Tuy nhiên nếu tài xế lắp đặt không đúng cách, sử dụng thảm không đúng chuẩn, hoặc chồng nhiều thảm lên nhau, hiện tượng thảm mắc vào chân ga sẽ dễ xảy ra hơn, và gây tai nạn. Lỗi này cũng có thể đến từ nhà sản xuất, khi 2009, Toyota đã triệu hồi khoảng 3,8 triệu xe tại Mỹ do thảm sàn theo xe có thể chèn bàn đạp ga, gây ra hiện tượng tăng tốc ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, các lỗi hư hỏng chân ga khiến xe bị tăng tốc đột ngột thường hiếm gặp do chân ga có nhiều cơ chế an toàn, nhưng đã từng xảy ra trước đây. Ví dụ như năm 2010, Toyota đã thông báo triệu hồi 2,3 triệu xe tại Mỹ do sự cố bên trong bàn đạp ga có thể dẫn tới kẹt. Hoặc trường hợp của Ford tại Mỹ vào 2022, khi hãng triệu hồi mẫu Mustang Mach-E 2021 vì phần mềm của mô-đun điều khiển hệ thống truyền động không phát hiện ra lỗi phần mềm, dẫn đến tăng tốc ngoài ý muốn hoặc mất công suất truyền động.
Nguyên nhân chủ quan
Việc tăng tốc ngoài ý muốn cũng có thể xuất phát từ tài xế, ví dụ như nhầm chân phanh và chân ga, sử dụng giày, dép không phù hợp khiến bị mắc vào chân ga, hoặc lái xe số tự động bằng cả hai chân.
Vấn đề nhầm chân ga và chân phanh thường xuất phát từ những tài xế ít kinh nghiệm lái xe, tài xế lớn tuổi, hoặc người chưa quen xe. Theo một nghiên cứu thực hiện bởi nhóm giáo sư tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) vào 2022, người lớn tuổi sẽ có thời gian phản ứng chậm hơn và dễ nhầm chân phanh với chân ga so với những người trẻ tuổi. Hiện tượng này đặc biệt dễ xảy ra khi tài xế rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, khiến dễ mất tập trung với môi trường xung quanh, và giảm khả năng đánh giá, quan sát sự vật và sự việc.
Ngoài ra, sử dụng giày/dép không phù hợp khi lái xe cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến kẹt chân ga. Ví dụ tài xế dùng giày cao gót với nhiều dây buộc, các loại dép dễ bị tuột khỏi chân, hoặc các loại giày/dép khác với phần đế quá cao, khiến tài xế khó cảm nhận và phân biệt giữa chân ga và chân phanh.
Cuối cùng, việc sử dụng cả hai chân để lái xe số tự động (chân trái để lên phanh, chân phải để lên ga) là việc làm nguy hiểm, vì tài xế có thể nhấn cả hai chân cùng một lúc, khiến xe không thể dừng lại ngay trong trường hợp khẩn cấp, và tài xế có thể kéo dài thời gian phản ứng để phân biệt chân nào để nhả, chân nào nên đạp hơn so với việc chỉ dùng một chân duy nhất để lái xe.
Phòng tránh tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn
Để tránh hiện tượng tăng tốc ngoài ý muốn, tài xế cần lái đúng kỹ thuật, là sử dụng một chân khi lái xe, và bỏ chân ga thì phải chuyển sang ra chân phanh ngay lập tức. Tài xế cũng cần chọn loại giày dép phù hợp khi lái, tốt nhất là loại giày bít mũi, dây buộc gọn gàng.
Bên cạnh đó không nên lái xe khi buồn ngủ hoặc stress, hoặc dùng điện thoại khi lái xe. Nếu lái xe mới, cần dành nhiều thời gian để làm quen với vị trí đặt bàn đạp với xe đứng yên tại chỗ. Đối với phương tiện, tài xế không chồng nhiều lớp thảm trải sàn chồng lên nhau, và bảo dưỡng đúng lịch trình của nhà sản xuất để đảm bảo xe luôn hoạt động với trạng thái tối ưu.
Hồ Tân