Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Hương Thùy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, giải thích thêm viêm màng não mô cầu là bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Ước tính mỗi năm có khoảng 600 ca mắc mới tại Việt Nam, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên 15-24 tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm.
Khả năng lây truyền cao
Vi khuẩn N.meningitidis có ít nhất 13 nhóm huyết thanh, trong đó nhóm A, B, C, W, Y là nguy hiểm. Tại Việt Nam, các nhóm huyết thanh phổ biến là A, B, C, Y, W-135, trong đó nhóm B chiếm tới 90%. Vi khuẩn có thể lây từ người sang người qua đường hô hấp vì thế có khả năng cao bùng phát thành dịch, theo bác sĩ Thùy.
Trẻ có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người mang vi khuẩn, ngay cả khi họ không có triệu chứng rõ ràng. Các môi trường đông đúc như trường học, nhà trẻ là nơi dễ xảy ra lây nhiễm.
Bệnh diễn tiến nhanh
Biểu hiện của viêm màng não mô cầu ở trẻ tương tự triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp nên dễ gây nhầm lẫn, khiến chẩn đoán sớm khó khăn. Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng như sốt cao (39-40 độ C), ho, đau họng, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, đau mỏi cơ, cứng cổ, ớn lạnh, rét run, ngủ li bì, mệt mỏi. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh có thêm triệu chứng khác như thóp căng phồng, bỏ bú.
Sau khi phát sốt 1-2 ngày, da trẻ có thể xuất hiện những nốt ban da hoại tử có màu xanh tím hoặc đỏ thẫm, đường kính khoảng 1-5 mm, không mờ đi khi ấn vào. Chúng xuất hiện độc lập hoặc liên kết với nhau tạo thành đám. Nhiều trường hợp bệnh có thể bắt đầu với triệu chứng sốt nhẹ, tiến triển nhanh chóng, các nốt tử ban sẽ lan truyền, hình thành vùng da hoại tử. Khi nốt tử ban xuất hiện nhiều ở vùng thân hoặc hai chân là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị nhiễm độc nặng do viêm não mô cầu.
Biến chứng nguy hiểm
"Vi khuẩn N.meningitidis có tốc độ sản xuất nội độc tố cao gấp 100 lần, thậm chí là 1.000 lần so với các loại vi khuẩn khác", bác sĩ Thùy nói. Khi xâm nhập vào cơ thể, lượng độc tố theo máu di chuyển đến tim, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu, tạo áp lực lên mạch máu, dẫn đến xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, khiến phổi, thận và nhiều cơ quan khác bị tổn thương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả khi được chẩn đoán sớm và điều trị, tỷ lệ tử vong do bệnh vẫn có thể xảy ra ở 5-10% trường hợp, trong vòng 24-48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Nếu sống sót, khoảng 20% người bệnh vẫn phải chịu những di chứng nặng nề như tổn thương não, điếc, tàn tật.
Bác sĩ Thùy khuyến cáo phụ huynh cần duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đảm bảo môi trường sống thông thoáng, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng phòng bệnh. Tiêm vaccine giúp phòng ngừa lây nhiễm viêm não mô cầu. Nếu trẻ đang sinh sống trong khu vực bùng phát bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm hầu họng, co giật, li bì, nốt ban xuất huyết lan nhanh trên da, thóp phồng... phụ huynh đưa bé đến bệnh viện ngay để chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |