Anh làm công nhân trong khu công nghiệp, hút thuốc lá 10 năm, mỗi ngày hơn một bao. Trước khi nhập viện, anh đột ngột đau đầu dữ dội, cấp cứu tại Viện Tim mạch - Bệnh Viện Bạch Mai, hồi tháng 10.
Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao, chức năng tim giảm 46%, tắc hoàn toàn từ đoạn giữa động mạch vành phải. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, "là một trong trường hợp trẻ tuổi nhất đơn vị tiếp nhận".
Sau khi dùng thuốc, bác sĩ quyết định can thiệp hai stent ở động mạch vành phải. Người bệnh may mắn nhập viện kịp thời, qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhân ổn định, duy trì thuốc điều trị suy tim và đã bỏ hút thuốc.
Cũng đột ngột đau ngực dữ dội sau khi uống rượu, người đàn ông 28 tuổi phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội). Anh làm nghề lái xe, tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, không mắc bệnh nền. Trước vào viện, anh uống rượu với bạn bè, sau đó bị đau co thắt lồng ngực. Khi nhập viện, người đàn ông đột ngột ngừng tim, tiên lượng "lành ít dữ nhiều". Các bác sĩ khẩn cấp sốc điện, dùng thuốc, chuyển thẳng vào phòng mổ, "cố gắng chạy đua với tử thần để giành lại bệnh nhân".
Khi can thiệp, bác sĩ phát hiện người bệnh bị tắc mạch ở tim, phải thông mạch, may mắn vượt nguy kịch.
Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 80%. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm đến 39,5%, trong tổng số các ca tử vong nói chung.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không kịp thời, nguy cơ tử vong 50%. Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ, tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim cấp ở người bệnh trẻ, dưới 45 tuổi, tăng dần theo thời gian, hiện chiếm 6-10% tổng số người bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Đây là nguyên nhân quan trọng gây bệnh và tử vong ở người trẻ tuổi trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ người trẻ nhập viện tăng 5-10% mỗi năm.
PGS. TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, nhìn nhận căn bệnh vốn gặp ở người già, nay tấn công người còn rất trẻ và là gánh nặng y tế lớn. Tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, tình hình cũng tương tự. Mỗi năm có 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch, trong đó 15-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi. Có những người 25-30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, phải can thiệp tim mạch.
Tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), tỷ lệ người trẻ chiếm 15-20%, và khoảng 30% là ca bệnh khó. Tỷ lệ người trẻ nhập viện do nhồi máu cơ tim tăng khoảng 10% mỗi năm. Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận gần 100 người đến khám các bệnh lý về tim mạch.
Năm 2018, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM ghi nhận 42 người dưới 45 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Năm 2019, con số này tăng lên 59 và trong năm 2020 đến 66 trường hợp người trẻ mắc bệnh, người trẻ nhất mới 27 tuổi.
Bên cạnh yếu tố bẩm sinh, bệnh lý nền, nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ là do lối sống, bao gồm thừa cân, ít vận động, stress, lạm dụng thuốc lá, rượu bia... Nhóm này thường chủ quan, cho rằng mình còn trẻ, không thể mắc bệnh người già. Chỉ đến khi đau ngực dữ dội, nhập viện mới biết nhồi máu cơ tim. Nhiều trường hợp khi nhập viện đã hoại tử cơ tim, suy tim hoặc đột tử.
Như các bệnh nhân trên có thói quen hút thuốc lá tần suất dày đặc trong thời gian dài, là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Hút thuốc lá lâu năm sẽ gây ra bệnh lý xơ vữa mạch mãn tính với tất cả các mạch máu trong cơ thể. Các mảng xơ vữa dần dần sẽ gây hẹp mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não cấp.
Các yếu tố khác như huyết áp cao, đường máu cao, tiền sử gia đình... làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng rối loạn mỡ máu sẽ gây nên xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới. Theo ghi nhận từ các bệnh viện, tỷ lệ mắc tăng huyết áp và đái tháo đường có chiều hướng tăng nhanh trong 10 năm qua, là nguyên nhân quan trọng khiến bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Hạn chế uống rượu, bỏ hút thuốc; ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; không tiêu thụ thức ăn nhanh, nhiều chất béo công nghiệp, đồ chiên rán xào...
Hoạt động thể dục từ 30-60 phút/ngày và 5 ngày một tuần. Tiêm phòng ngừa cúm, phế cầu và các bệnh nhiễm trùng lan rộng khác như Covid. Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng tâm lý xã hội, trầm cảm.
Từ 40 tuổi trở lên, bạn nên đi khám tầm soát với siêu âm tim, điện tâm đồ, kiểm tra các chỉ số như mỡ máu, đường huyết, huyết áp
Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Khi có các biểu hiện bất thường như đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... cần lập tức vào viện. Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt. Thời gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu.
Thùy An