Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Mảng xơ vữa là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn có một số yếu tố khác như bệnh lý bẩm sinh, bóc tách động mạch vành.


Người bị nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu nhanh để tránh biến chứng về sau như rối loạn nhịp, suy tim, hở van tim... ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thủ phạm chính gây nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Bệnh lý này xảy ra ở các động mạch lớn, vừa, trong đó có động mạch vành, đặc trưng bởi tình trạng lắng đọng mảng xơ vữa ở thành mạch gây hẹp dần lòng mạch, giảm tưới máu mô ở phía xa. Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi mảng xơ vữa có tình trạng bất ổn định, nứt vỡ, kết hợp với tiểu cầu hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn động mạch vành.


Một số ít trường hợp nhồi máu cơ tim không liên quan đến xơ vữa động mạch mà xuất phát từ nhóm bệnh lý như bệnh bẩm sinh liên quan đến động mạch vành (dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát...), bệnh viêm nhiễm động mạch vành, co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch vành...


Nguyên nhân dẫn đến xơ vữa mạch máu có thể phân thành hai nhóm là nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được và nhóm có thể thay đổi. Tuổi tác đứng đầu trong nhóm không thể thay đổi, tuổi càng cao thì nguy cơ nhồi máu cơ tim càng lớn. Tiếp theo là giới tính và tình trạng mãn kinh. Bệnh động mạch vành thường phổ biến, khởi phát sớm hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ tăng nhanh sau tuổi mãn kinh và ngang bằng với nam giới sau 65 tuổi. Cuối cùng là tiền sử gia đình, một người dễ bị bệnh mạch vành hơn nếu có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.


Nhóm nguy cơ có thể thay đổi bao gồm hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, thừa cân béo phì, căng thẳng kéo dài, lối sống ít vận động, không kiểm soát tốt bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, rối loạn mỡ máu...).


Theo bác sĩ Hiếu, yếu tố quan trọng để cấp cứu thành công một ca nhồi máu cơ tim là phát hiện sớm và đến viện kịp thời. Đau ngực là dấu hiệu điển hình nhất với tính chất đau sau xương ức hoặc ngực trái, kiểu đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt. Cơn đau lan lên cổ, hàm dưới, vai trái hoặc bờ trong tay trái. Một số trường hợp lan xuống thượng vị nhưng không bao giờ vượt quá rốn. Đau kéo dài trên 20 phút kèm triệu chứng khó thở, choáng váng, vã mồ hôi.


Nhiều trường hợp không biểu hiện đau ngực mà có những triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, cảm giác hồi hộp, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, rối loạn tri giác... Bệnh nhân hậu phẫu, lớn tuổi, đái tháo đường có thể không đau ngực mà xuất hiện tình trạng rối loạn tri giác hoặc dấu hiệu sinh tồn xấu đi khi bị nhồi máu cơ tim cấp.


Dù cấp cứu, điều trị thành công, nhồi máu cơ tim vẫn có thể xuất hiện trở lại. Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Hiếu khuyến cáo mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát yếu tố nguy cơ chính. Nên ăn uống đa dạng và cân nằng, hạn chế chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri, tăng cường hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ.


Mọi người nên tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, giữ cân nặng lý tưởng, chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5-23, tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas, kiểm soát căng thẳng, kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Kiểm soát huyết áp và đường huyết để giữ chỉ số cholesterol trong mức an toàn.


Thu Hà


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp







Nguyen nhan gay nhoi mau co tim


Mang xo vua la nguyen nhan chinh gay nhoi mau co tim, ngoai ra con co mot so yeu to khac nhu benh ly bam sinh, boc tach dong mach vanh.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Mảng xơ vữa là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, ngoài ra còn có một số yếu tố khác như bệnh lý bẩm sinh, bóc tách động mạch vành.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá