Cụ thể, người dân khu vực này bước vào hôn nhân ở độ tuổi cao nhất nước, trung bình 30,7 tuổi với nam giới và 27,3 tuổi với nữ giới. Con số này tương phản rõ rệt với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi nam giới lập gia đình ở tuổi 26,7 và nữ giới ở tuổi 22,2.
Trên phạm vi toàn quốc, độ tuổi kết hôn lần đầu đã tăng 2,1 năm so với 2019. Nam giới hiện kết hôn ở tuổi 29,4, chậm hơn nữ giới 4,2 năm. TP HCM ghi nhận độ tuổi kết hôn cao nhất với nam giới là 31,5, trong khi Sơn La và Hà Giang có số liệu thấp nhất là 24,2.
Xu hướng này phản ánh mối tương quan giữa phát triển kinh tế, xã hội và quyết định hôn nhân, theo Tổng cục Thống kê. Tại các đô thị lớn như Đông Nam Bộ, tỷ lệ người độc thân đạt 32,9%, cao hơn đáng kể so với mức 18-25% ở các vùng khác. Trình độ học vấn cũng là yếu tố quan trọng, khi những người có học vấn cao thường trì hoãn hôn nhân.
Hiện tượng kết hôn muộn đang góp phần làm giảm tỷ lệ sinh của Việt Nam xuống mức đáng báo động. Tổng tỷ suất sinh năm 2024 chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất từ trước đến nay. Đông Nam Bộ ghi nhận mức thấp nhất với 1,47 con/phụ nữ, trong khi con số lý tưởng là 2,1.
Theo các chuyên gia, áp lực công việc, khó khăn tài chính và ưu tiên phát triển sự nghiệp là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ trì hoãn kết hôn.
Bộ Y tế cảnh báo nếu không có giải pháp kịp thời, dân số Việt Nam có thể tăng trưởng âm vào khoảng năm 2054-2059. Các đề xuất giải pháp bao gồm điều chỉnh thời gian làm việc hợp lý và tăng cường giáo dục về giá trị gia đình từ độ tuổi phổ thông.
Theo đó, GS Nguyễn Thiện Nhân từng đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để nam nữ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình...
Còn ông Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục (Cục Dân số), cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ thực tế và thay đổi nhận thức xã hội. Đặc biệt, cần định hướng giới trẻ về giá trị của gia đình và việc sinh con, coi đó là "trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi".
Lê Nga