Ngày 7/7, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết theo Thông tư 01/2017 của Bộ Y tế, người bệnh có chỉ định xạ, hóa trị sẽ được áp dụng chính sách điều trị ban ngày, tức điều trị ngoại trú nhưng được tính quyền lợi như nội trú, nếu cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh thành nơi cơ sở khám chữa bệnh hoạt động.
Trường hợp không cư trú trên địa bàn, việc điều trị ban ngày chỉ áp dụng với bệnh nhân tự nguyện xin điều trị, không áp dụng với bệnh nhân nghèo, cận nghèo.
Điều này có nghĩa người dân cư trú tại TP HCM - nơi hai cơ sở của Bệnh viện Ung bướu TP HCM tọa lạc, sẽ hưởng chính sách điều trị ban ngày, được bảo hiểm y tế thanh toán, mà không cần nằm viện nội trú. Chỉ định này sẽ do bác sĩ điều trị quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của người bệnh.
"Trước đây bệnh nhân từ Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu (cũ) đến hóa - xạ trị, nếu muốn hưởng chính sách nội trú, bảo hiểm y tế thanh toán thì phải xin giấy chuyển tuyến, lên nhập viện điều trị", bác sĩ Tuấn nói. Hiện nay, họ có thêm lựa chọn điều trị ban ngày, chỉ đến viện truyền hóa chất, xạ trị vài giờ rồi về nhà nghỉ ngơi hôm sau vào điều trị tiếp, giúp tinh thần thoải mái hơn, bớt mệt mỏi, đỡ tốn chi phí ăn ở.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP HCM, lượt khám ung thư tại viện tăng nhanh thời gian qua, đặc biệt là từ khi đưa vào hoạt động cơ sở 2 khang trang, hiện đại vào năm 2023, hiện tiếp nhận khoảng 4.700-5.000 lượt khám ngoại trú và khoảng 900 -10.000 ca nội trú mỗi ngày. Bệnh viện đang từng bước nâng từ 1.000 lên 1.200 giường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, không để xảy ra tình trạng người bệnh ung thư phải nằm ghép.
Sau khi sáp nhập hôm 1/7, lượng bệnh nhân chưa có sự tăng đột biến, bởi đây là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư của khu vực phía Nam, trước nay vẫn tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh thành khác đến khám chữa bệnh.
Lê Phương