Diễn viên gạo cội tham gia phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - lấy bối cảnh miền Nam xưa. Dịp này, bà nói về cuộc sống ở tuổi 75 sau biến cố gia đình.
- Vì sao bà nhận lời trở lại sau thời gian vắng bóng?
- Đạo diễn Lý Minh Thắng mời tôi vào dự án, thuyết phục rằng: "Má đóng vai này là 'đúng tủ' luôn". Nhân vật của tôi là một đại gia ngầm của miền Nam đầu thế kỷ 20, có nhiều cảnh đóng chung với diễn viên chính Song Luân - "công tử Bạc Liêu". Ưng ý kịch bản, cộng với việc được hợp tác các nghệ sĩ mình yêu mến như Thành Lộc, Hữu Châu, tôi liền nhận lời. Việc đóng phim trở lại cũng là cách tôi tìm động lực để vui sống, sau khi gánh chịu mất mát lớn trong đời.
- Bà nhớ gì về quãng thời gian gặp biến cố?
- Những ngày này, tôi đang chuẩn bị cho lần giỗ thứ hai của con gái - diễn viên cải lương Hồng Đào. Con tôi qua đời ở tuổi ngoài 40 vì ung thư di căn sau nhiều lần phẫu thuật, xạ trị. Đồng hành con suốt ba năm chạy chữa, một ngày, nghe bác sĩ nói con chỉ còn sống được sáu tháng, tôi ngỡ đất trời sụp đổ. Đúng nửa năm sau, tôi nuốt nước mắt một mình lo tang lễ cho con. 20 năm trước, chồng tôi cũng bỏ vợ con mà đi sau một cơn bạo bệnh.
- Bà vượt qua giai đoạn đó ra sao?
- Thỉnh thoảng, tôi ngồi nghĩ, giá như bản thân con đàn cháu đống, cuộc sống có lẽ đỡ hiu quạnh hơn, đằng này Hồng Đào là con duy nhất của chúng tôi. Ngày trước, đồng nghiệp vẫn thường bảo tôi có phúc bởi sinh được người con hiếu thuận. Cùng làm nghề diễn, Đào rất giỏi giang, lo cho tôi từng ly từng tí, từ việc quản lý lịch quay đến chăm sóc nhà cửa.
Thời gian đầu khi con qua đời, tôi từng nghĩ quẩn, muốn buông tay để đi theo con. Cầm đồ đạc nào con từng dùng, tôi đều chảy nước mắt. Nhờ đồng nghiệp, bạn bè, khán giả liên tục nhắn động viên, tôi dần đứng dậy. Tôi học cách chấp nhận mất mát bởi biết dù sao đi nữa, chỉ có một mình tôi đi tới chặng cuối của đường đời. Theo đạo Phật, tôi quan niệm cuộc đời là cõi tạm, ai đến rồi cũng sẽ đi, chỉ mong chồng con tôi đã về cõi bình an.
Giờ, tôi tập tành làm mọi thứ mà không có con bên cạnh, như việc nhận kịch bản, chọn trang phục diễn. May mắn, tôi không đến nỗi cô độc nhờ có cháu ngoại nuôi - vốn là một người họ hàng Đào nhận bảo bọc ngày trước.
- Ít đóng phim, diễn kịch hơn, bà trang trải cuộc sống ra sao?
- Thu nhập tôi hoàn toàn đến từ nghề diễn vì không có công việc tay trái như nhiều đồng nghiệp. Với tôi, ở tuổi này, nói thật là được mời vai nào quý vai đó. Một số đơn vị nhờ quay với chi phí năm, sáu triệu đồng, tôi vẫn nhận lời. Dù không dư dả, tôi hài lòng vì mỗi ngày đủ hai bữa cơm và thầm cảm ơn tổ nghiệp. Tôi hay ví bản thân như con kiến, tha lâu cũng đầy tổ. Sau nhiều năm, tôi có căn nhà làm chỗ che nắng mưa, dù không bề thế hay mặt tiền gì cả.
Tôi bằng lòng với mức thù lao hiện tại vì biết bản thân không còn là ngôi sao như thời đỉnh cao. Ngoài ra, sức khỏe không cho phép tôi chạy show nhiều như trước. Thập niên 1980, đóng hài chung với Bảo Quốc, mỗi ngày tôi có thể diễn ở bảy, tám tụ điểm. Đầu những năm 1990, mỗi show tôi kiếm được 80.000-100.000 đồng (giá vàng lúc ấy khoảng gần 500.000 đồng mỗi chỉ). Ngày ấy, tôi cũng thuộc dạng "ngon lành", top đầu của giới sân khấu TP HCM (cười).
- Ngoài kinh tế, điều gì khiến bà giữ động lực làm nghề ở tuổi xế chiều?
- Mỗi lần có nhà sản xuất nhớ đến, tôi vui lắm, cátxê không quá cao song bù lại được gặp gỡ bạn hữu, giao lưu lớp trẻ. Tôi thuộc kiểu người không thích nghỉ ngơi, ở nhà một thời gian kiểu gì cũng lâm bệnh. Càng đi làm, tôi thấy bản thân càng trẻ hơn, dồi dào năng lượng. Có lẽ nhờ vậy, tôi may mắn không mắc bệnh nền nào đáng kể.
Tình cảm khán giả cũng là điều khiến tôi khắc cốt ghi tâm. Có lần, một người gặp tôi ngoài đường, mắng: "Mặt bà này ác dễ sợ" vì nhớ đến vai bà Hai Lung - người cho vay nặng lãi trong tuồng Nửa đời hương phấn. Trong lúc tôi đang ngơ ngác, người ấy nói tiếp: "Nhưng mà tôi khoái cái nét bà diễn lắm đó". Tôi sẽ theo nghề đến khi nào người hâm mộ bảo nên dừng lại để nghỉ ngơi. Hễ còn một người thích mình, tôi vẫn đứng trên sân khấu.
Nghệ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Lý, từ nhỏ đi học ca cổ, đờn ca tài tử với thầy Năm Đồng. 16 tuổi, bà được ông "bầu "Minh Há mời về hát cho đoàn Hoa Xuân. Qua nhiều gánh như Minh Luông - Thùy Lan, Minh Cảnh, đến khi gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, tên tuổi bà bừng sáng với loạt vai đào mùi trong các tuồng xã hội như Người săn người, Nạn con rơi, Bốn triệu đô la một bộ trà, Men rượu hương tình, Gái nhảy, Đời là một chữ T. Bấy giờ, bà được đánh giá cao bởi luôn đảm nhận các vai khó, tâm lý chuyển biến liên tục.
Sau năm 1975, bà về cộng tác với đoàn Thanh Nga, được nghệ sĩ Bảo Quốc thuyết phục chuyển sang diễn hài. Từ đây, Kiều Mai Lý trở thành cây hài ăn khách trên các sân khấu thành phố, là một trong những nhân tố tạo thành công cho chương trình Trong nhà ngoài phố suốt những năm 1990 - đầu 2000. Ngoài diễn kịch, cải lương, bà còn nổi tiếng ở mảng phim, đóng nhiều dự án chiếu rạp như Hello cô Ba (2012), Lửa Phật (2013), Ngày nảy ngày nay (2015).
Mai Nhật