Sách xuất bản lần đầu năm 1979, bốn năm sau ngày 30/4 lịch sử, giúp tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2007. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân tiếp cận đề tài chiến tranh qua lát cắt đời sống chiến đấu, miêu tả hoàn cảnh, nội tâm của các chiến sĩ. Sách lấy mốc thời gian đầu năm 1975, khi cả nước chuẩn bị bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, không gian trải rộng từ chiến trường Trung Bộ, Phan Rang đến Vũng Tàu, Côn Đảo.
Không tập trung vào một nhân vật cụ thể, tác phẩm viết về những người lính như Thiết, Mạc, Phác, Thức, Thư, Nhã. Họ có tính cách, hoàn cảnh gia đình, số phận khác nhau nhưng chung một lý tưởng, tình đồng đội và lòng dũng cảm.
Trong truyện, tiểu đoàn trưởng Nhã là sĩ quan giỏi, có năng lực. Thức - Chính ủy Trung đoàn bộ binh - có tài, luôn là chỗ dựa tinh thần cho đồng đội nhưng khi yêu lại có phần "khờ dại". Anh cảm mến Thư - chính trị viên đội phẫu - nhưng không biết cách thể hiện. Tác giả không hình tượng hóa người lính mà tập trung viết về cảm xúc, những khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của họ.
Sau khi đồng đội hy sinh do chênh lệch lực lượng, Mạc - chính trị viên tiểu đoàn - luôn trách bản thân: "Đôi lúc, tâm trí anh vẫn rối bời vì những chuyện đã qua. Mỗi lần ngồi nghỉ bên vệ đường, cái mỏm núi gần như bị phạt ngọn lại sừng sững hiện lên. Trên đó, mười mấy hình hài của tử sĩ đã tan lặn vào trong đất, mỗi người chỉ còn một đôi mắt trong suốt, những đôi mắt ấy đang nhìn Mạc nghiêm khắc và đầy vẻ trách móc".
Cùng tiểu đoàn bộ binh của Nhã và Mạc là tiểu đoàn pháo 105 ly do Phác chỉ huy. Phác theo ba đi chiến đấu từ năm 11 tuổi, ở chiến trường, anh hay tin mẹ bỏ đi, sinh con với người khác, em trai bỏ học theo phe đối lập. Song, anh vẫn giữ niềm tin rằng "không đời nào một người đã khóc hết nước mắt tiễn chồng con lên tàu lại có thể làm một việc như thế và dù cho nó là sự thực, Phác cũng không ngạc nhiên, không giận mà chỉ thấy thương ông cụ".
Năm 1975 họ đã sống như thế gợi sự mâu thuẫn trong các gia đình có con ở hai đầu chiến tuyến, điển hình là anh em Phác và Phán. Cứ sau mỗi trận chiến, Phác lại đi tìm xem liệu có xác em ở đó, và "nó đang ở đâu trong khói lửa chiến tranh này". Sau khi đất nước thống nhất, dù đã lên tàu sang Mỹ, Phán vẫn nhảy xuống biển, bơi vào bờ. Tình cảm gia đình vượt lên tất cả, là thứ níu lấy Phán, khiến anh tự nguyện ra trình diện trước ủy ban quân quản. Còn người anh nghĩ rằng "nếu như sắp đến nó chịu cải tạo, thì đất nước, nhà cửa, anh em sẽ vẫn là của nó".
Không chỉ bom đạn của kẻ thù, người lính phải chịu cơn sốt rét rừng, thiếu lương thực, nước uống: "Nhiều lần hành quân trong rừng, Phác gặp những chiếc võng mắc im lìm bên đường. Lại gần, mở bọc ra nhìn, người nằm trên võng đã chết khô, đen sạm lại. Dưới đất là những chiếc ba lô lép xẹp, ghi rõ địa chỉ những thôn, xã miền Bắc". Song, các chiến sĩ vẫn giữ tinh thần lạc quan, nói vui về sinh tử.
Người ra trận luôn hướng về gia đình, nhớ nhà. Với những người con đi xa, "mẹ là một nửa nỗi nhớ, một nửa quê hương". Trong sách có đoạn, Phác gặp một chiến sĩ đã hy sinh, trên ngực áo ghim bức thư viết nguệch ngoạc: "Sau này, khi nước nhà thống nhất, kính nhờ các đồng chí tìm đến mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Vấn ở số nhà 38 đường Võ Tánh, Quy Nhơn. Tôi chết ngày 26/5 vì bệnh sốt rét". Bản thân Phác trong những lần đối diện cái chết đều nghĩ đến mẹ.
Nhà văn xen lẫn yếu tố lãng mạn trước sự trần trụi, dữ dội của chiến tranh. Trong sáng tác của Nguyễn Trí Huân, tình yêu vẫn nảy nở giữa mưa bom bão đạn, là tình cảm thầm lặng Thư, Thức dành cho nhau, là đám cưới trong rừng của Thoại với Phúc, cô cán bộ mất chân vì bị tra tấn lúc ở tù. Ông miêu tả chi tiết: "Hàng loạt bàn, ghế ghép bằng cây rừng, chân chôn chặt xuống đất. Mặt bàn phủ vải hoa, trên bày ca, bát, thuốc lá và kẹo. Riêng bàn cô dâu, chú rể đặt một bộ đồ trà bằng sắt tráng men sang trọng. Chú rể ăn mặc khá trau chuốt và là người duy nhất mang quân hàm, huân chương trên ngực. Bên cạnh, cô dâu ngồi trang nghiêm, đôi mắt xúc động nhìn xung quanh, thỉnh thoảng lại dịch chuyển chỗ ngồi một cách vất vả".
Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc sống của những người lính bỗng "hẫng" lại. Họ hay ngồi im lặng trong những lúc rảnh rỗi, nhớ bạn bè, căn cứ. Tác giả viết: "Họ bỗng thèm một thác nước, một đêm mưa rừng nằm sát bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm đồng bằng. Họ nhắc đến tên người, tên đất nơi đồng đội của họ đã nằm xuống, bàn tính với nhau việc đi tìm, đưa đồng đội họ về lại đồng bằng, về những thành phố".
Cuối truyện, Nguyễn Trí Huân gợi niềm vui ngày thống nhất. Ông thể hiện không khí hân hoan: "Người đi như thác lũ trên các ngả đường của Tổ quốc. Người ta tự động dừng việc ở các xưởng máy, nghỉ việc ở các cơ quan, các trường học, đổ ra đường ôm lấy nhau. Nước mắt chảy xuống nụ cười của họ".
Sách có đoạn: "Hòa bình có nghĩa là những đứa con thân yêu sẽ trở về. Vợ sẽ được đoàn tụ với chồng, cha được nhìn mặt đứa con lên chín, lên mười mà ngày ra đi không kịp nhìn mặt. Hòa bình có nghĩa là mọi nỗi đau sẽ được hàn gắn, mọi hiềm thù sẽ được xóa bỏ và những tệ nạn xấu xa sẽ phải chấm dứt. Người ta cứ đổ ra đường reo hò, vẫy cờ, vẫy hoa. Cả nước đang trải qua một xúc động lớn. Đó là những ngày đầu tháng năm 1975, ngày đánh dấu một sự thay đổi trọng đại của đất nước".
Tiểu thuyết có lối viết mộc mạc, gần gũi, giàu chất sử thi, đưa độc giả trở về những năm tháng chiến đấu khốc liệt nhưng đầy tự hào. Tác phẩm tri ân những chiến sĩ, người mẹ, nhân dân trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng viết trên tạp chí Người Hà Nội: "Trong Năm 1975 họ đã sống như thế, tư liệu và hư cấu nhuần nhuyễn đến mức khó phân biệt. Tác phẩm được viết bằng một cảm hứng lớn - có thể gọi là đại khí văn chương".
Đại tá, tác giả Nguyễn Trí Huân sinh năm 1947, thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhập ngũ Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1965. Năm 1971, ông vào chiến trường miền Nam làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng Trung Trung bộ. Ông là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1993-2007, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 2000-2020.
Các tác phẩm của ông chủ yếu về chiến tranh cách mạng như Mặt cát (1977), Dòng sông của Xô nét (1980), Chim én bay (1988), Bất chợt mai vàng (2023). Ông nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 1989. Tập truyện Bất chợt mai vàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là một trong 10 tác phẩm văn học nổi bật năm 2023.
Châu Anh